Sản xuất vụ hè thu tại Phù Mỹ và Phù Cát: Linh hoạt thích ứng với điều kiện hạn hán
Việc nông dân hai huyện Phù Mỹ và Phù Cát có nhiều kinh nghiệm thích ứng với điều kiện khô hạn, thiếu nước tưới, đã tạo điều kiện thuận lợi để chính quyền địa phương triển khai linh hoạt nhiều biện pháp nhằm đưa sản xuất đạt kết quả tốt nhất.
1. Vào thời điểm này năm trước, cánh đồng ở thôn Vạn An nằm trước UBND xã Mỹ Châu (huyện Phù Mỹ) không có nước tưới, hàng trăm hộ dân địa phương đã phải cắt lúa chết héo về cho trâu bò ăn. Vụ Hè Thu năm nay, cánh đồng nói trên đã được phủ kín bởi bắp, đậu phụng và các loại rau.
Bên ruộng bắp của gia đình, ông Trần Văn Thắng, ở thôn Vạn An, cho hay: “Tôi chuyển hết 8 sào đất lúa sang trồng 4 sào bắp, 3 sào đậu phụng và 1 sào khổ qua. Nhờ bỏ ra gần 1 triệu đồng đóng giếng ngầm, tôi đã chủ động hoàn toàn việc chăm sóc, điều tiết nước tưới. Sản xuất nhiều loại cây trồng trên cùng một diện tích, mỗi loại cây có nhu cầu nước khác nhau trong từng giai đoạn sinh trưởng, nên giảm áp lực thiếu nước, mà thu nhập cũng rải đều ra. Tôi nghĩ làm như vậy hiệu quả sẽ cao hơn trồng lúa”.
Ở thôn Vạn An, xã Mỹ Châu (huyện Phù Mỹ) nông dân chuyển sang trồng các loại cây trồng cạn ở những diện tích không đảm bảo nước tưới.
Ông Thắng chỉ là một ví dụ điển hình về sự thay đổi tích cực của người dân, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để ngành chức năng và chính quyền địa phương thêm linh hoạt trong điều hành, chỉ đạo sản xuất. Đến nay, huyện Phù Mỹ đã sản xuất 4.450 ha lúa đảm bảo được nước tưới, bỏ trống 1.200 ha đất không có nước tưới. Các địa phương kiên quyết không để nông dân gieo sạ trên diện tích đã xác định không có nước tưới và vận động bà con mở rộng diện tích cây trồng cạn. Những nông dân chấp hành chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng được chính quyền hỗ trợ giống và một phần kinh phí phòng, chống hạn. Nhờ vậy đã hình thành nhiều cánh đồng sản xuất cây trồng cạn trên đất lúa, nâng diện tích cây trồng cạn vụ Hè Thu lên 3.650 ha, tăng 1.580 ha so với kế hoạch.
Cùng với đó, phương án cấp nước sạch cho người dân các xã: Mỹ Châu, Mỹ Phong, Mỹ Chánh, Mỹ Đức cũng đã được huyện Phù Mỹ nhanh chóng triển khai. Hiện Nhà máy cấp nước sạch Phù Mỹ đã cho vận hành Nhà máy nước xã Mỹ Châu, lắp đặt đồng hồ nước cho hộ dân trong xã này; khoan thêm 2 giếng nước tại Trạm cấp nước xã Mỹ Thành để tăng năng lực cấp nước. Đối với các xã Mỹ Chánh, Mỹ Phong, Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ chỉ đạo các đơn vị sử dụng phương tiện vận chuyển nước sạch đến các thôn cho người dân.
Ông Hồ Ngọc Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, cho hay: “Chúng tôi thành lập nhiều tổ công tác thường xuyên đi kiểm tra thực tế tại các địa phương. Qua đó đã điều chỉnh, xử lý kịp thời các tình huống phát sinh”.
2. Nhờ thích ứng tốt với điều kiện thời tiết nắng hạn, nhiều nông hộ ở huyện Phù Cát đã chủ động trong sản xuất, chuyển đổi mùa vụ, cây trồng. Ông Lê Bá Danh, ở xã Cát Tài, tính toán: “Sản xuất cây trồng cạn không cần nhiều nước tưới như lúa, việc đầu tư chăm sóc cũng đơn giản hơn, nhưng hiệu quả lại khá cao. Không như một số người, dù chuyển nhưng vẫn giữ lại một ít ruộng để trồng lúa lấy gạo ăn, tôi chuyển toàn bộ 8 sào đất lúa kém hiệu quả sang trồng đậu phụng, thực tế cho thấy hiệu quả của cách làm này tăng gấp 3 lần so với sản xuất lúa”.
Nông dân xã Cát Tài (huyện Phù Cát) chuyển những ruộng lúa không chủ động được nước tưới sang trồng đậu phụng.
Ông Trần Văn Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, cho hay: “Vụ Hè Thu này, nông dân huyện Phù Cát cũng chỉ sản xuất 5.707 ha lúa ở những vùng chủ động được nước, giảm 463 ha so với vụ này năm trước, bỏ trống gần 300 ha đất không có nước tưới; đồng thời chuyển đổi 668 ha đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng bắp, đậu phụng, mè..., nâng tổng diện tích cây trồng cạn vụ này lên 2.576 ha. Việc nâng cao năng lực hoạt động các nhà máy nước tập trung cũng đã được triển khai sớm, nên tại các địa phương chưa xảy ra tình trạng thiếu nước sạch” .
Ngày 13.5, sau khi đi kiểm tra thực tế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu đánh giá cao công tác chỉ đạo điều hành sản xuất trong điều kiện nắng hạn của huyện Phù Mỹ và Phù Cát. Phó Chủ tịch Trần Châu cũng nhắc nhở, nắng hạn sẽ còn kéo dài, nên các địa phương tiếp tục hướng dẫn nông dân áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, trong đó chú trọng tiết kiệm nước, sử dụng nước tưới sao cho hợp lý, khoa học. Bên cạnh đó, gắn kết chặt chẽ với các DN để nông dân có thể bán nông sản dễ dàng, được giá, nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đối với vùng có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, cần sớm triển khai phương án vận chuyển nước sạch để cấp cho người dân.
PHẠM TIẾN SỸ