Nỗ lực chăm sóc, bảo vệ rừng ngập mặn
Những năm qua, tỉnh ta luôn chú trọng công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ diện tích rừng ngập mặn tại khu sinh thái Cồn Chim ở các xã Phước Sơn, Phước Hòa (huyện Tuy Phước); khu vực ven các bãi triều đầm Thị Nại (TP Quy Nhơn, huyện Tuy Phước), đầm Đề Gi (huyện Phù Cát, Phù Mỹ), góp phần chống thủy triều xâm thực, chống biến đổi khí hậu.
Ông Trương Xuân Đưa, Phó trưởng Trạm Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp (thuộc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Sở NN&PTNT), chia sẻ: “Các bãi triều ven đầm Thị Nại, Đề Gi có độ mặn phù hợp, rất dễ phát triển rừng ngập mặn. Trong các loại cây trồng rừng ngập mặn thì cây bần trắng có độ dẻo dai, sức chống chịu tốt hơn cây đước, cây mắm, nên đơn vị đã đưa giống cây bần trắng vào trồng”.
Rừng ngập mặn ven đầm Thị Nại được bảo vệ, là nơi mưu sinh của nhiều người dân sống ven đầm.
Nhận thấy lợi ích của rừng ngập mặn mang lại, người dân sống ven đầm Thị Nại, Đề Gi đã chung tay bảo vệ rừng ngập mặn. Gần 10 năm qua, ông Dương Văn Tường, ở thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước) nhận khoán bảo vệ 3 ha rừng, với mức khoán 300 nghìn đồng/ha/năm. Ông Tường bộc bạch: “Ngoài nhận khoán bảo vệ rừng ngập mặn, tôi cũng tự ươm giống cây mắm, cây đước để trồng xung quanh 2 hồ nuôi thủy sản rộng 2,5 ha của gia đình để chống xói lở, tạo cảnh quang mát mẻ. Nhiều hộ dân nuôi thủy sản ở đây cũng tự ươm giống trồng rừng ngập mặn xung quanh diện tích nuôi thủy sản để chống xâm thực”.
Rừng ngập mặn được phục hồi, là nơi trú ngụ của nhiều loài thủy sản ven bờ, tạo sinh kế cho người dân vùng ven đầm. Ông Nguyễn Ngọc Vân, ở thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, tâm tình: “Những cánh rừng ngập mặn phát triển, trải dài quanh đầm là nơi mưu sinh của nhiều người dân làm nghề lưới gõ trên đầm Thị Nại như tôi, bởi đây là nơi trú ngụ, sinh sản của nhiều loài tôm, cua, cá. Không chỉ những người làm nghề thả lưới, mà kể cả những người làm nghề đào sìa, phễnh cũng có thu nhập dưới những tán rừng ngập mặn”.
Đến nay, tổng diện tích rừng ngập mặn trong toàn tỉnh là 88,11 ha, tăng được 1,5 ha so với đầu năm 2019; trong đó, khu sinh thái Cồn Chim có 46,8 ha rừng ngập mặn được trồng từ năm 2016 đến nay. Ông Trương Xuân Đưa cho biết thêm: Rừng ngập mặn trong tỉnh được trồng, chăm sóc theo hồ sơ phê duyệt của UBND tỉnh trong giai đoạn 1 - 4 năm tuổi, ở giai đoạn này, cây con còn nhỏ nên dễ bị ốc, hàu, hà... bám trên cây, lá, vì vậy việc chăm sóc phải thật kỹ lưỡng để cây phát triển. Sang giai đoạn từ năm thứ 5 trở đi cây lớn cứng cáp hơn sẽ khoán cho người dân bảo vệ, riêng diện tích rừng ngập mặn tại khu sinh thái Cồn Chim do cán bộ, nhân viên của đơn vị bảo vệ. Trước đây, rừng ngập mặn ở tỉnh ta chủ yếu sử dụng giống cây đước để trồng và phải nhập mua từ huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh). 10 năm trở lại đây, chúng tôi đã tự ươm cây con đước, mắm, bần trắng để trồng rừng
ĐOÀN NGỌC NHUẬN