Qua 1 năm thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg: Nhiều chuyển biến tích cực
Qua 1 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22.4.2019 của Thủ tướng Chính phủ, công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý những hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và DN trong giải quyết công việc trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực; góp phần cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh trên địa bàn tỉnh theo hướng thuận lợi, công khai, minh bạch.
Qua 1 năm thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực trong giải quyết công việc cho người dân và DN.
- Trong ảnh: Cán bộ bộ phận “một cửa” tại UBND thị trấn Diêu Trì (huyện Tuy Phước) giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính cho người dân.
Theo Thanh tra tỉnh, thời gian qua, các ngành, địa phương trong tỉnh đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp tình hình thực tiễn; chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý những hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc cho người dân và DN. Việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg được tiến hành thường xuyên; gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với các nhiệm vụ, giải pháp về cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Ngày 22.4.2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, DN trong giải quyết công việc. Chỉ thị nhằm xử lý, ngăn chặn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng vị trí công tác; kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật; lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết về chính sách, pháp luật của một bộ phận người dân để sách nhiễu, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc; giải quyết công việc không đúng quy định, không công bằng, khách quan đối với người dân và DN.
Đến nay, các ngành, địa phương đã tổ chức 26 hội nghị phổ biến quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg cho 4.668 lượt cán bộ, công chức, viên chức. Có 10/22 sở, ban, ngành và 5/11 huyện, thị xã, thành phố tiến hành rà soát, nhận diện nguy cơ tham nhũng theo vị trí việc làm đối với 646 cán bộ, công chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của tổ chức và công dân.
Ông Nguyễn Văn Thơm, Chánh Thanh tra tỉnh, cho biết: “Qua rà soát, các ngành, địa phương đề ra biện pháp phù hợp để tăng cường giám sát, kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý kịp thời những hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và DN. Trong đó có việc tăng cường giám sát, kiểm tra hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức bằng các thiết bị công nghệ hiện đại tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Tăng cường kiểm tra, thanh tra công vụ, việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính; thời giờ làm việc, thực hiện quy tắc ứng xử, quy chế văn hóa công sở trong giải quyết công việc cho người dân và DN”.
Bên cạnh đó, đến nay, tất cả các ngành, địa phương trong tỉnh đã thiết lập, công khai số điện thoại đường dây nóng và địa chỉ hộp thư điện tử để tiếp nhận thông tin phản ảnh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân, DN. Ban hành quy định cụ thể về trình tự thủ tục, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, thực hiện tiếp nhận, xử lý thông tin phản ảnh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân và DN.
Ngoài ra, các ngành, địa phương tiếp tục duy trì thực hiện nghiêm túc công tác tiếp công dân thường xuyên và định kỳ, đột xuất của người đứng đầu theo quy định của pháp luật. Từ khi thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg đến nay, các ngành, địa phương đã tiếp nhận, giải quyết theo thẩm quyền 4.406 vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ảnh của tổ chức và công dân. Trong đó, số vụ giải quyết trước thời hạn quy định chiếm trên 6%; giải quyết đúng hạn chiếm trên 90% và giải quyết trễ hạn chiếm trên 3%.
Các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính; trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân và DN đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, trong đó có việc thực hiện quy tắc ứng xử, những việc không được làm đối với người có chức vụ, quyền hạn. Tăng cường xử lý đối với người đứng đầu và cấp phó khi có dấu hiệu thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, giám sát, kiểm tra để cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền thực hiện hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và DN trong giải quyết công việc.
“Qua 1 năm thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg, các ngành, địa phương đã tiến hành 99 cuộc kiểm tra, thanh tra công vụ tại 113 cơ quan, tổ chức, đơn vị. Qua đó, chỉ đạo kiểm điểm, phê bình nghiêm khắc đối với 62 cán bộ, công chức, viên chức chưa thực hiện tốt chuẩn mực ứng xử, trách nhiệm được giao trong việc tiếp nhận, giải quyết công việc và các kiến nghị, phản ảnh của tổ chức và công dân”, ông Nguyễn Văn Thơm cho hay.
VĂN LỰC