Doanh nghiệp phải có con dấu để đảm bảo tính chính danh
Tiếp tục kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, sáng 21.5, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật DN (sửa đổi).
ĐB Nguyễn Văn Cảnh (đứng) phát biểu thảo luận sáng 21.5.
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) đặc biệt quan tâm đến vấn đề con dấu của DN.
Điều 44 của dự thảo Luật DN (sửa đổi) có quy định "DN có quyền quyết định có hoặc không có con dấu".
ĐB Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, DN phải có con dấu để đảm bảo tính chính danh, hạn chế giả mạo, tranh chấp; quy định DN có con dấu như hiện nay đã đảm bảo DN hoạt động ổn định.
"Tôi đi tiếp xúc cử tri, khi nêu vấn đề này thì cán bộ ở địa phương có trao đổi là nếu DN gửi công văn mà không có con dấu thì họ cũng chưa biết xác thực như thế nào. Còn các DN thì băn khoăn nếu quy định này được thông qua thì sẽ không lường được tác động trong thực tế như thế nào", ĐB Cảnh nói.
ĐB Cảnh cũng đề cập đến việc nhiều công ty nước ngoài chỉ dùng chữ ký của người đại diện trên giấy tờ để thể hiện tính chính danh. Tuy nhiên, ở đây cũng còn nhiều vấn đề phải bàn. Với hồ sơ, giấy tờ có nhiều trang, các DN thường đóng dấu giáp lai và chỉ cần ký tên, đóng dấu ở trang cuối. Việc đóng dấu giáp lai thuận tiện hơn rất nhiều so với việc ký xác nhận lên từng trang. Việc có con dấu như hiện nay giúp công việc của DN được thuận tiện hơn.
Ở một khía cạnh khác, với DN nước ngoài không có con dấu, đa phần họ tên người ký chữ in nhỏ, còn chữ ký thường khá dài, bao gồm cả tên, họ và khó giả mạo. Còn chúng ta thường in họ tên to và chữ ký nhỏ, chữ ký giống như 1 ký hiệu và đôi khi qua một thời gian chữ ký trước và sau không giống nhau. Việc có con dấu sẽ giảm được các giả mạo, tranh chấp, hạn chế cá nhân vi phạm pháp luật trong thực tế hiện nay.
NGUYỄN VĂN TRANG