Xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú: Quy định cụ thể và chặt chẽ hơn
Thực hiện lập hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ ba - năm 2021, Bộ VH-TT&DL đã có hướng dẫn một số nội dung cụ thể, chặt chẽ hơn so với hai lần trước.
Từ đầu tháng 2.2020, Sở VH&TT đã hướng dẫn và yêu cầu phòng VH-TT các huyện, thị xã, thành phố cần chú ý đến một số điểm thay đổi so với hai lần trước, khi tổ chức rà soát, chuẩn bị lập hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân (NNND), Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT).
Lễ trao tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ hai - năm 2019 cho các nghệ nhân tiêu biểu của tỉnh.
Theo đó, đáng chú ý có các điểm then chốt: Không xét tặng danh hiệu đối với các cá nhân đã được đào tạo qua trường lớp chính quy để có được thêm các kỹ năng, bí quyết và đã thoát ly khỏi hoạt động cộng đồng. Đối với những trường hợp hoàn toàn được truyền nghề trong cộng đồng, sau đó công tác và hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì thời gian hoạt động trong nghề chỉ tính từ sau khi cá nhân đó nghỉ hưu, thực hành và truyền dạy di sản trong cộng đồng đến thời điểm nộp hồ sơ tại Sở VH&TT. Theo Nghị định số 62/2014 của Chính phủ, một trong những tiêu chuẩn để xét tặng NNƯT là phải có thời gian hoạt động trong nghề từ 15 năm trở lên; NNND phải có thời gian hoạt động trong nghề từ 20 năm trở lên và đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu NNƯT.
Về việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư ở cơ sở, nếu như ở hai lần xét tặng trước có thể chỉ lấy ý kiến đại diện của các cơ quan, đoàn thể tại khu dân cư, thì lần này yêu cầu phải lấy ý kiến cộng đồng dân cư ở cơ sở. Tương tự, nếu người xét tặng là hội viên hội nghề nghiệp thì không lấy ý kiến đại diện hội nghề nghiệp mà phải lấy ý kiến của các hội viên trong hội nghề nghiệp.
Bản khai thành tích nghệ nhân cũng yêu cầu rõ ràng hơn, với các mốc thời gian cụ thể trong quá trình thực hành, bắt đầu truyền dạy học trò. Về số lượng học trò, chỉ tính các học trò được nghệ nhân trực tiếp truyền dạy và cũng đang thực hành loại hình di sản văn hóa phi vật thể được truyền dạy…
Theo quy định, cá nhân đề nghị xét tặng NNND, NNƯT có thể tự mình hoặc ủy quyền (bằng văn bản) cho cá nhân, tổ chức khác lập hồ sơ đề nghị xét tặng. Hạn cuối để nộp hồ sơ về Sở VH&TT là ngày 14.7 tới, nên hiện vẫn chưa thể nắm được số lượng cụ thể nghệ nhân trong tỉnh tiến hành lập hồ sơ đề nghị xét tặng. Tuy nhiên, qua hai đợt xét tặng năm 2015 và 2019, tỉnh Bình Định đã có 4 NNND (1 nghệ nhân đã mất), 19 NNƯT (2 nghệ nhân đã mất). Như vậy, đợt xét tặng lần này là cơ hội để các NNƯT có thể đề nghị xét tặng NNND, nếu đáp ứng tiêu chuẩn theo Điều 5 Nghị định 62/2014: “Có tài năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, có cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong phạm vi cả nước...”.
Đại võ sư, NNƯT Lê Xuân Cảnh và các học trò đang tiến hành các nghi thức trong lễ cúng tổ của võ đường năm 2019.
Trong số trên, 3 NNƯT được phong tặng lần thứ nhất - năm 2015 là Hồ Văn Sừng (Hồ Sừng, huyện Tây Sơn), Trương Văn Vịnh (Phi Long Vịnh, huyện Tuy Phước), Lê Văn Cảnh (Lê Xuân Cảnh, TX An Nhơn) ở loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian (võ cổ truyền Bình Định) rất cần được chính quyền và ngành VH-TT hỗ trợ trong việc lập hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NNND, bởi họ đều đã rất cao tuổi, thời gian hoạt động trong nghề vượt hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn quy định, đồng thời đã được Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam phong tặng danh hiệu Đại võ sư quốc gia.
Hiện một số nghệ nhân đang làm hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NNƯT, như Lý Thành Long (huyện Hoài Nhơn, nhạc công, sáng tác dân ca, bài chòi), Lâm Ngọc Ánh (TX An Nhơn, võ sư võ cổ truyền), Nguyễn Văn Quý (huyện Tuy Phước, nhạc công tuồng, bài chòi), Nguyễn Thị Ngọc Hương (huyện Vân Canh, biểu diễn trống kơ-toang của người Chăm H’roi)... “Được sự hướng dẫn, hỗ trợ của phòng VH-TT huyện Hoài Nhơn, phòng Quản lý văn hóa - Gia đình thuộc Sở VH&TT, tôi đang hoàn thành hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NNƯT theo quy định. Dù kết quả còn ở phía trước, nhưng điều này đã tạo thêm động lực cho tôi tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của quê hương...”, nghệ nhân Lý Thành Long chia sẻ.
HOÀI THU