Tô điểm cho tường
Vài năm trở lại đây, nhu cầu trang trí tường, xếp đặt không gian thẩm mỹ của quán cafe, homestay, nhà hàng, khách sạn… trong tỉnh tăng cao.
Nhiều năm trước, khi nghĩ đến trang trí tường, nhiều người chỉ cần làm sao để bức tường khỏi trơ, có chút màu sắc vui mắt là được. Nay thì mọi sự đã khác. Các họa sĩ phối hợp với chủ đầu tư thảo luận từ đề tài, ý tưởng đến phương án thi công hết sức bài bản. Chủ đề của không gian được trang trí luôn hướng đến một hoặc một hai nhóm đối tượng cụ thể chứ không hề chung chung.
Một họa sĩ trẻ đang trang trí tường với chủ đề đồng quê.
Nghệ sĩ điêu khắc Giang Minh Hoàng kể: “Tôi làm nghề trang trí từ khi còn là sinh viên. Ban đầu là có thêm chút tiền để đỡ đần cha mẹ, khi bén duyên thì thấy say mê. Với mình, một mảng tường được trang trí thành công là một tác phẩm thật sự. Vì thế đến bây giờ, vừa dạy ở Trường CĐ Bình Định, tôi vừa gắn bó với công việc xếp đặt, trang trí tường. Hiện nay, tôi thấy có rất nhiều họa sĩ trẻ Bình Định gắn bó với công việc này và họ làm khá tốt”.
Việc trang trí tường hiện nay thu hút khá đông các họa sĩ trẻ tham gia. Họa sĩ Nguyễn Lưu Vân, giáo viên Trường THCS Phước An, Tuy Phước, trải lòng: “Tôi yêu nghề giáo của mình và tôi vẫn mê sáng tác, có thời gian và nếu nhận được đề nghị hợp lý thì cả trang trí tường, non bộ tôi cũng vui vẻ nhận làm, nghiêm túc sáng tạo!”.
Họa sĩ Ngô Thiên Thạch tham gia vẽ trang trí tường hơn 5 năm, nhóm của anh được nhiều chủ quán, nhà hàng “chọn mặt gửi vàng”. Gặp anh cùng nhóm bạn đang trang trí cho một quán bar trên đường Lê Đức Thọ, TP Quy Nhơn, anh chia sẻ: “Chủ đầu tư yêu cầu phải tạo ra một không gian “bụi bặm”, đường phố, có phần “nổi loạn” một chút, để khách bước vào không gian ấy tự dưng đã phấn khích lên. Quán bar thì thế nhưng quán ăn lại khác. Tụi mình mới “mần” xong một hợp đồng trên trên đường Nguyễn Thị Định, TP Quy Nhơn. Ở đó, nhóm mình dựng lên một không gian đồng quê với những hình ảnh gần gũi, đầy gợi nhớ - chum nước, bờ tre, khóm trúc, đường làng, buồng chuối, hiên nhà… Chúng được sắp đặt để đan vào nhau hài hòa và cái đích là cảm giác thanh bình, mát dịu, kéo con người chậm rãi về với ký ức êm đềm”.
Nghề nào cũng có những vất vả, rủi ro nhất định. Nghề trang trí tường cũng vậy. Với những công trình có tường cao, người vẽ phải đứng trên giàn giáo cao từ 10 m trở lên. Dù vậy, bù đắp cho những lúc lấm lem bụi đất, vệt màu, cho những rủi ro thì nghề trang trí tường cũng mang lại nhiều niềm vui cho các nghệ sĩ. Họa sĩ Nguyễn Trần Quyên, người có nhiều năm gắn bó với công việc này, tâm sự: “Nghề này không chỉ mang lại lợi ích về mặt kinh tế mà còn hỗ trợ nhiều cho việc sáng tác của mình, nhất là với những nghệ sĩ trẻ. Khi vẽ loại hình này, nó sẽ giúp tăng thêm sự cảm nhận màu, cách nhìn nhận bố cục, giá trị thẩm mỹ”.
Nghệ sĩ điêu khắc Giang Minh Hoàng nhận định, phần nhiều các sản phẩm vẽ trang trí tường là làm theo đơn hàng, nhiều khi là sự sao chép nào đó. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, đó là tác phẩm nghệ thuật thực thụ. Bởi lẽ, nó được nhào nặn từ ý tưởng sáng tạo, do chính tay người nghệ sĩ thực hiện, tạo nhiều hiệu ứng cảm xúc.
ĐỨC LINH