Những nơi in dấu chân Người
Dù thời gian Nguyễn Tất Thành lưu lại đất Bình Ðịnh rất ngắn ngủi, nhưng nhiều nhà khoa học khẳng định, đất và người Bình Ðịnh có ý nghĩa quan trọng trong hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Người. Nhân dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Bác, chúng ta cùng điểm lại những nơi liên quan mật thiết đến sự kiện đặc biệt đó.
1. Trường thi hương Bình Định
Trường thi hương Bình Định được thành lập năm 1850, dành cho thí sinh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa. Đến năm 1867, trường này lấy thêm thí sinh Bình Thuận. Khoa thi đầu tiên mở vào năm 1852. Nguyễn Sinh Huy được triều đình Huế cử vào đây làm phúc khảo kỳ thi hương tháng 5.1909. Sau khi xong việc chấm thi, ông lên Bình Khê nhậm chức Tri huyện vào ngày 1.7.1909.
Ngày nay, Trường thi hương Bình Định đã bị phá hủy hoàn toàn, không để lại dấu vết gì. Chỉ có thể áng chừng khu vực tương ứng với trường nằm trên một cánh đồng thuộc khu vực Hòa Nghi, phường Nhơn Hòa, TX An Nhơn, cách cầu Trường Thi chừng vài trăm mét về phía Nam.
2. Huyện đường Bình Khê
Huyện đường Bình Khê được xây dựng vào khoảng năm Thành Thái thứ tư (1892), là một tòa nhà hình chữ “Môn”. Các dãy nhà kiến trúc theo kiểu nhà lá mái Bình Định, vách đất, mái lợp tranh săng. Ngày 1.7.1909, Nguyễn Sinh Huy được bổ làm Tri huyện huyện Bình Khê, ông sống và làm việc tại Huyện đường. Trong thời gian làm Tri huyện, ông luôn đứng về phía nhân dân, bênh vực người nghèo, tìm cách giúp đỡ những người yêu nước. Ngày 17.1.1910, ông bị cách chức, đưa về Huế để chờ xét xử vì liên quan đến một vụ kiện. Theo nhiều tài liệu, Nguyễn Tất Thành thỉnh thoảng từ Quy Nhơn lên Huyện đường thăm cha.
Kho lương thực 147 Trần Hưng Đạo được cho là địa chỉ nhà ông giáo Phạm Ngọc Thọ - nơi anh Nguyễn Tất Thành học tiếng Pháp (1909 - 1910).
Huyện đường từ lâu đã bị hư hại, dấu vết không còn gì. Năm 2014, trong khuôn viên của Huyện đường xưa ở xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh cho xây dựng Khu tưởng niệm Nguyễn Sinh Sắc.
3. Nhà ông giáo Phạm Ngọc Thọ
Tháng 5.1909, Nguyễn Tất Thành đi cùng cha vào Bình Định. Nơi ở đầu tiên của Người là Trường Đốc (hay Ký túc đình, nay là trụ sở CA TX An Nhơn). Khi nhậm chức Tri huyện Bình Khê, Nguyễn Sinh Huy không dẫn con theo, mà gửi xuống Quy Nhơn ở với ông giáo Phạm Ngọc Thọ để học tiếp chương trình tiểu học.
Địa chỉ thật sự của nhà ông giáo Phạm Ngọc Thọ đến nay vẫn còn nhiều tồn nghi. Trong các tài liệu đang lưu hành (kể cả tài liệu trên mạng internet), có 4 địa chỉ: Nhà số 227 Trần Hưng Đạo, nhà số 145 Trần Hưng Đạo, khu tập thể liên cơ - 8B Trần Bình Trọng và kho lương thực (cũ) - 147 Trần Hưng Đạo.
Nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, giảng viên Lê Văn Lợi (Trường ĐH Quy Nhơn) cho rằng, địa chỉ đáng tin cậy nhất được Bảo tàng Bình Định xác định là nhà số 147 Trần Hưng Đạo, trước đây là kho lương thực.
HOÀI NHÂN