Ngày thứ 2 xét xử “đại án” tham nhũng ở Vinalines:
Tham ô nhiều tỷ đồng vẫn quanh co chối tội
Ngày 13.12, phiên tòa sơ thẩm vụ án hình sự “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” đối với Dương Chí Dũng và 9 đồng phạm liên quan tới vụ tham nhũng tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vào ngày xét xử thứ 2. Hội đồng xét xử tiếp tục phần xét hỏi các bị cáo và đại diện các cơ quan liên quan, người làm chứng để làm rõ hành vi “tham ô tài sản” của các bị cáo.
Nối tiếp việc phủ nhận khoản tiền lại quả từ phía công ty AP sau khi phi vụ mua “đống sắt vụn” 83 M được thực hiện xong, bị cáo Phúc trước tòa đã phủ nhận hành vi tham ô của mình. Nguyên Tổng giám đốc Vinalines cho rằng không hề có chuyện Sơn đã đưa cho mình khoản tiền 10 tỷ đồng như Sơn đã khai trước đó: “Bị cáo khẳng định mình không bàn bạc, không tổ chức vụ nhận tiền “lại quả” này...” bị cáo Phúc nói.
Còn trong lời khai trước tòa, bị cáo Sơn cho biết đã có 3 lần chuyển tiền cho Phúc, trong đó 2 lần mỗi lần 2,5 tỷ đồng tại quê của Phúc ở Hải Phòng và một lần 5 tỷ đồng tại nhà riêng của Phúc ở Hà Nội. Bị cáo Sơn cũng tiếp tục khai, sau khi công ty AP chuyển khoản tiền lại quả 1,66 triệu USD để thực hiện được giao dịch nhận số tiền này là theo chỉ đạo của Dũng. “Còn việc anh Phúc nhận được số tiền trên là do tôi hoàn toàn chủ động đưa…”, bị cáo Sơn khai.
Tiếp tục để làm rõ hành vi nhận tiền lại quả từ công ty AP và tham ô của 4 bị cáo, Hội đồng xét xử đã tiến hành xét hỏi một số người thân của các bị cáo Sơn, Dũng, Phúc và Chiều.
Em gái của bị cáo Trần Hải Sơn là Trần Thị Hải Huyền đã kể lại việc rút tiền lại quả từ công ty AP chuyển ngân hàng theo chỉ đạo của Sơn và chuẩn bị số tiền để đưa cho Dũng và Phúc. Theo em gái Sơn, tất cả những lần Sơn mang tiền chuyển cho Dũng và Phúc đều nhìn thấy và bản thân là người chuẩn bị tiền xếp trong valy.
Còn anh Bùi Hoàng Long là chồng chị Huyền cũng cho biết, có một lần lấy xe ô tô đưa Sơn sang nhà Phúc để chuyển tiền. “ Lúc đó, tôi con còn hỏi anh tôi đi đâu? Anh tôi nói Sang nhà anh Phúc đưa tiền”, anh Long cho biết.
Đáng chú ý, chị Trần Thị Hải Hà (em gái của bị cáo Sơn) là giám đốc công ty Phú Hà thừa nhận những lời khai của Sơn trước tòa là chính xác. Theo vị giám đốc Công ty Phú Hà cho biết: Công ty có nhận 1,66 triệu USD từ công ty AP và công ty Phú Hà không liên quan gì tới công ty AP hay việc mua ụ nổi. Những phiếu chi, hồ sơ tài chính của công ty Phú Hà liên quan tới việc nhận tiền của AP thì đều do anh Sơn nhờ ký. “Vì tình cảm anh em nên tôi ký giúp thôi...”, chị Hà cho biết.
Trước câu hỏi của Chủ tọa về việc vì sao không quan hệ gì với công ty AP nhưng vẫn nhận tiền của họ. Chị Hà cho biết, trước đó, anh Sơn có nói có một người bạn làm ăn ở bên Singapore nên anh Sơn đã nhờ tôi cho mượn tại khoản của công ty để nhận tiền. Khi nhận tiền anh Sơn có nói “ Sắp tới có bác Dũng tổng vào TPHCM công tác nên chuẩn bị cho anh số tiền khoảng 5 tỷ để đưa cho bác”. Trước yêu cầu trên của anh tôi, tôi đã phải đổi tiền ra tiền 500.000 đồng lúc nhận tiền phần lớn là tiền lẻ. “Nếu đưa bằng tiền lẻ thì phải mấy bao tải”, em gái Sơn cho biết.
Trong khi đó, bà Phạm Thị Mai Phương (vợ bị cáo Dũng) trước tòa tiếp tục vào hùa với chồng khi phủ nhận chuyện Sơn đem tiền 5 tỷ tới nhà Dũng ở Hải Phòng. “Số tiền đó không có thực vì nếu như anh Sơn khai là đưa tiền tới gia đình tôi vào buổi chiều tối thì khi đó gia đình có mẹ tôi, người giúp việc và con gái tôi thì phải biết và chứng kiến chuyện đó nhưng mọi người đều không biết chuyện đó…”, bà Phương biện bạch.
Liên quan tới khoản tiền gần 10 tỷ đồng mà Dũng mua 2 căn hộ cao cấp cho “bồ nhí” tại Hà Nội, vợ bị cáo Dũng nghẹn ngào cho biết: Đó là nguồn tiền của tôi. Số tiền đó là tiền của tôi cầm của anh Sơn nhờ tôi đầu tư bất động sản. Khi đó, anh Dũng biết tôi có nguồn tiền đó nên đã vay tôi để mua nhà.
Còn bà Ngô Thị Vân (vợ bị cáo Phúc) trước tòa cũng nức nở cho rằng chồng mình bị oan vì chẳng nhìn thấy Sơn lần nào đem tiền tới nhà đưa cho Phúc”. Khoản tiền đó quá lớn, 5 tỷ chứ có ít đâu, nếu anh Sơn tới nhà đưa cho chồng tôi thì tôi phải biết chứ…”, bà Vân nói.
Trái ngược với bao biện cho chồng của 2 bà vợ trên, bà Đặng Thị Khánh Hồng (vợ bị cáo Sơn) trước tòa thật thà nói: Sau khi biết chồng gây thiệt hại lớn cho nhà nước qua việc mua ụ nổi 83M, gia đình đã tự nguyện nộp số tiền 2 tỷ đồng cho cơ quan chức năng để khắc phục thiệt hại.
Bà Đặng Thị Kim Yến (vợ bị cáo Chiều) cũng khai sau khi chồng bị bắt, gia đình đã nộp lại số tiền 340 triệu cho cơ quan chức năng. “Trước khi nộp số tiền này, anh Chiều có nói với tôi đây là tiền của anh Sơn đưa qua việc mua ụ nổi nên đem nộp lại cho công an…”, bà Yến nói.
Tiếp đó, Hội đồng xét xử đã dành thời gian để hỏi đại diện Bộ Giao thông Vận tải, ngân hàng Cittibank, Cục Đăng kiểm để làm rõ những sai phạm liên quan tới việc Vinalines mua ụ nổi 83M. Các luật sư cũng đã tiến hành việc hỏi các bị cáo.
Trước câu hỏi của Hội đồng xét xử về hành trình chạy trốn “Ai đã gọi điện cho bị cáo vào lúc chiều 17.5.2012 để thông báo việc bị bắt ?”. Bị cáo Dương Chí Dũng nói: Đây là một người quen của tôi và việc này tôi đã khai với cơ quan điều tra. Xin được phép không khai lại ở đây vì ở đây có nhiều người không thích tôi. Dương Chí Dũng cũng khai việc chạy trốn là do hoảng loạn chứ không có ai xui khiến hay nhằm mục đích nào khác.
. Theo NGUYỄN QUỐC (SGGP)