Đề nghị thông qua Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 11
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, ngày 22.5, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.
ĐB Nguyễn Văn Cảnh (đứng) phát biểu thảo luận ngày 22.5.
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) nhất trí với ý kiến của Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, đề nghị bổ sung dự án Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) (sửa đổi) vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, thông qua tại kỳ họp thứ 11.
Luật GTĐB (sửa đổi) đã được đề nghị bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 từ kỳ họp thứ 7. Theo ĐB Cảnh, Luật GTĐB 2008 đạt được những kết quả nhất định, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động GTVT đường bộ, góp phần hình thành ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên toàn quốc; thúc đẩy phát triển GTVT và kinh tế đất nước.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thi hành đã xuất hiện một số tồn tại và các vấn đề phát sinh. Thứ nhất, các đô thị chưa đảm bảo quy định về tỉ lệ % diện tích đất dành cho đường bộ. Thứ hai, phương tiện giao thông cá nhân phát triển nhanh cũng như phát sinh nhiều phương tiện mới cần được quản lý. Thứ ba, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ từ giao thông nông thôn đến giao thông đô thị, hệ thống quốc lộ và đường cao tốc chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải, tính kết nối và sự đồng bộ chưa cao. Thứ tư, vận tải công cộng chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Thứ năm, tai nạn giao thông đường bộ giảm liên tục trong các năm qua, nhưng kết quả của việc hạn chế và giảm tai nạn giao thông chưa bền vững, số người bị chết, bị thương do tai nạn giao thông vẫn ở mức cao.
"Đến nay cơ quan soạn thảo đã có dự thảo luật, đã cụ thể hóa được nhiều điểm mới phù hợp với thực tiễn và cho lấy ý kiến trên cổng thông tin điện tử của Bộ GTVT từ 21.4.2020; với hơn 150 điều trong dự thảo đã cho thấy nhiều nỗ lực của cơ quan soạn thảo và sự thay đổi lớn so với Luật GTĐB 2008", ĐB Cảnh nhận định.
ĐB Cảnh lưu ý thêm GTĐB là lĩnh vực liên quan trực tiếp đến hoạt động hằng ngày của người dân, tác động to lớn đến đời sống xã hội. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết kỹ lưỡng công tác thi hành pháp luật, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, khảo sát thực tiễn, lấy ý kiến đối tượng chịu tác động… để xây dựng các quy định của luật bảo đảm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của người dân, DN và phát triển xã hội.
NGUYỄN VĂN TRANG