Ngày hội nông sản huyện Hoài Ân: Giúp ổn định sản xuất, nâng cao đời sống nông dân
Mới đây, huyện Hoài Ân thông qua kế hoạch tổ chức Ngày hội nông sản huyện Hoài Ân lần thứ I - năm 2020, dự kiến tổ chức vào tháng 8.2020. Phóng viên Báo Bình Ðịnh đã có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Phi Long, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân về vấn đề này.
Công bố nhãn hiệu tập thể sản phẩm Bưởi Hoài Ân và Trà Gò Loi. Ảnh: TỐNG BÌNH
● Ông nói cụ thể hơn về mục đích của Ngày hội nông sản huyện Hoài Ân lần thứ I-2020?
- Hoài Ân là vùng đất trung du, kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, chiếm trên 60% trong tổng giá trị của nền kinh tế địa phương. Theo đó, một số sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện có chất lượng tốt, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng như sản phẩm thịt heo, bưởi da xanh, trà Gò Loi, dừa xiêm. Chính vì vậy, huyện Hoài Ân đã quyết định chủ động tổ chức Ngày hội nông sản với mục đích cụ thể tuyên truyền quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản huyện Hoài Ân đến với thị trường trong và ngoài tỉnh; mời gọi, kết nối nhằm thu hút các DN tham gia đầu tư sản xuất sản phẩm nông sản trên địa bàn huyện đạt các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, để nâng cao giá trị sản phẩm; tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững. Dự kiến vào tháng 8 tới đây, Ngày hội nông sản huyện Hoài Ân lần I - năm 2020 sẽ được khai mạc.
● Ông kỳ vọng điều gì sau Ngày hội nông sản huyện Hoài Ân?
- Chúng tôi luôn tâm niệm điều gì tốt, mang lại lợi ích cho người dân thì mình làm. Cá nhân tôi thường xuyên chia sẻ với anh em, thuộc cấp mình quản lý - Làm cái gì cũng phải vì lợi ích của người dân. Tổ chức Ngày hội, chúng tôi không kỳ vọng gì xa vời, chỉ mong ngày hội trở thành một kênh thông tin chính thống để Hoài Ân tiếp thị sản phẩm thế mạnh của địa phương, thiết thực giúp bà con nông dân đạt được lợi ích bền vững. Từ ngày hội lần 1 sẽ có thêm lần 2, lần 3, mỗi lần tổ chức là một lần người dân Hoài Ân nhận được những giá trị thiết thực, giúp họ ổn định sản xuất, nâng cao đời sống.
Chúng tôi không chỉ trưng bày sản phẩm, mà còn cùng bà con giới thiệu và bán hàng nữa. Muốn bán được hàng với giá tốt, không phải chỉ đạt chất lượng cao là đủ, mà còn phải biết cách bán hàng nữa. Muốn vậy mình phải giúp bà con kết nối với DN lớn có tiềm năng tài chính, kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp. Tôi luôn nghĩ, bà con làm ra cây trái tốt, nuôi con heo, con gà chất lượng cao là xong phần của họ, phần của chúng tôi là giúp bà con bán được hàng với giá tốt. Không thể bảo một chủ vườn bưởi gõ cửa từng DN chào bán sản phẩm, cái đó cán bộ quản lý phải đứng ra lo liệu, đó là tinh thần kết nối “4 nhà” trong việc tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp “nhà nông - nhà quản lý - nhà buôn - nhà khoa học”. Mà nói thật, huyện chúng tôi đang có rất nhiều cán bộ được dân thương, vì biết đồng hành, sẻ chia với dân.
Hoài Ân với vùng chuyên canh cây ăn trái sẽ là một điểm trải nghiệm du lịch nông nghiệp trong tour về các huyện phía Bắc tỉnh.
- Trong ảnh: Một vườn cây ăn trái đang hình thành trên vùng đất trung du Hoài Ân. Ảnh: THU DỊU
● Hoài Ân là địa phương đầu tiên trong tỉnh tổ chức ngày hội nông sản quy mô lớn. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?
- Ở trên tôi có nói, chúng tôi “có rất nhiều cán bộ được dân thương”. Dân mình rất công bằng, hễ mình lo lắng, chăm sóc, hướng dẫn, hỗ trợ dân đạt hiệu quả tốt thì họ thương mình. Trong cuộc đổi đời của nhiều gia đình, điều khiến tôi cứ nghĩ tới là vui, ấy là trong đó có dấu ấn của đội ngũ cán bộ của huyện với vai trò dẫn dắt, truyền đạt kỹ thuật, cập nhật kiến thức mới.
Chúng tôi làm chuyện này rất bài bản. Tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy, lãnh đạo UBND huyện luôn chú trọng công tác đào tạo, nâng cao năng lực, trách nhiệm của cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo các ngành, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc thực thi chức trách, nhiệm vụ được giao. Từ đó, huyện Hoài Ân tập trung thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, trong đó, nổi bật nhất là thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện giai đoạn năm 2016 - 2020.
Việc tổ chức ngày hội nông sản là đi thêm một bước nữa trong chuỗi phát triển sản phẩm thế mạnh của địa phương. Bước đầu tiên là kỹ thuật sản xuất tạo ra sản phẩm tốt, bước thứ 2 là bán được hàng tốt. Cán bộ phải làm thì bà con mới tin. Dân tin cán bộ, cán bộ vì dân khi đó việc triển khai các chính sách mới phát huy hiệu quả. Chỉ riêng việc được dân tin với chúng tôi đã là một phần thưởng quý giá.
● Xin cảm ơn ông!
Qua 4 năm thực hiện, cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, nhân dân tự trồng, đến nay trên địa bàn huyện có trên 1.400 ha các loại cây ăn trái. Nhiều loại cây mang lại giá trị kinh tế cao. Cùng với trồng trọt, chăn nuôi cũng được chú trọng đầu tư phát triển. Ðịa phương đang tập trung xây dựng Trung tâm mua bán động vật tập trung tại xã Ân Phong; xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm thịt heo với TP Ðà Nẵng; thành lập mới 1 HTX cây ăn quả; xây dựng khu sản xuất rau an toàn… Ðồng thời với đó, 2 sản phẩm nông nghiệp đặc trưng địa phương là Bưởi Hoài Ân và Trà Gò Loi đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Hiện nay, huyện Hoài Ân đang thực hiện các bước xây dựng nhãn hiệu cho dừa xiêm Hoài Ân và thịt heo an toàn Hoài Ân.
THU DỊU (Thực hiện)