Cần thống nhất nguyên tắc thực hiện mô hình chính quyền đô thị
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, ngày 23.5, Quốc hội thảo luận trực tuyến dự thảo Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị (CQĐT) tại TP Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác.
ĐB Lý Tiết Hạnh (đứng) phát biểu thảo luận sáng 23.5.
Theo ĐB Lý Tiết Hạnh, các nội dung của dự thảo Nghị quyết phù hợp với Hiến pháp 2013, Nghị quyết 43/NQ-TW của Bộ Chính trị về phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và yêu cầu thực tiễn phát triển TP Đà Nẵng, làm động lực phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.
"Việc QH cho phép thí điểm CQĐT và cơ chế, chính sách đặc thù cho Đà Nẵng sẽ bổ sung thêm kinh nghiệm thực tiễn nhằm hoàn thiện mô hình CQĐT theo Hiến pháp 2013 cho tất cả các thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước", ĐB Hạnh nói.
Ở kỳ họp trước, Quốc hội đã cho ý kiến và ban hành Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình CQĐT tại TP Hà Nội; nay tiếp tục thảo luận việc thực hiện thí điểm với TP Đà Nẵng. ĐB Lý Tiết Hạnh đặt ra băn khoăn: Việc thí điểm ở các nơi thực hiện khác nhau; sau giai đoạn thí điểm, tổng kết mô hình chung có phải mỗi nơi mỗi khác hay không?
Từ đó, ĐB Hạnh nêu ra yêu cầu mô hình chung cho CQĐT tại Việt Nam phải phù hợp với đặc điểm chung của cả nước và đặc điểm, quy mô, tính chất của CQĐT ở từng thành phố. "Trung ương, Chính phủ, Quốc hội cần nghiên cứu định hướng thêm về một mô hình tổ chức thống nhất; có thể quy mô khác nhau nhưng phải đảm bảo thống nhất về tính chất, nguyên tắc để phù hợp và thuận lợi trong triển khai nhân rộng", ĐB Hạnh kiến nghị.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết gồm 2 nội dung chính: tổ chức bộ máy chính quyền và thí điểm cơ chế chính sách đặc thù. ĐB Hạnh cho rằng, đây là 2 nội dung liên quan mật thiết, cần được cải cách, thực hiện đồng bộ. Quá trình tổ chức thực hiện phải đảm bảo mối quan hệ chặt chẽ giữa 2 nội dung để hỗ trợ cho nhau, tăng hiệu quả, đảm bảo thành công của mô hình CQĐT.
MAI LÂM