Tưởng nhớ, tôn vinh thầy giáo Hiến
Thầy Trương Văn Hiến là người có công rèn văn luyện võ, bồi đắp tư tưởng và chí hướng cho ba anh em nhà Tây Sơn. Ông cũng là quân sư cho các thủ lĩnh của phong trào Tây Sơn trong buổi đầu dấy nghĩa. Công trình tưởng nhớ và tôn vinh nhân vật lịch sử này đang được tỉnh ta khẩn trương thực hiện.
Theo một số nhà nghiên cứu lịch sử và nhiều câu chuyện được lưu truyền trong dân gian, thầy Trương Văn Hiến là người văn võ song toàn, nhiều mưu lược, có tấm lòng nghĩa hiệp, giàu lòng yêu nước thương dân… đã trao truyền, bồi đắp cho các học trò, trong đó ưu tú nhất là ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ.
Dấu ấn sâu đậm trong tiềm thức dân gian
Truyền thuyết kể rằng, có lần tìm được một thanh kiếm cổ, Nguyễn Nhạc mang dâng cho thầy giáo Hiến và được khích lệ: Hiện giờ Trương Phúc Loan chuyên quyền làm những điều gian ác, triều đình đảo điên, nhân tâm ly tán. Nếu có người phất cờ dấy nghĩa thì bốn phương thiên hạ sẽ hưởng ứng ngay. Đất Tây Sơn có thế núi non hiểm trở, có các thế bách nhị, tới lui không có sức nào có thể ngăn cản. Anh chỉ lo việc tài chánh và quân sự nữa là có thể hưng binh. Thầy Hiến cũng đã khuyên bảo học trò Nguyễn Huệ: “Con nay đã lớn khôn, tài nghệ cũng đã vững. Con hãy về nhà mà giúp anh con”. (theo “Nhà Tây Sơn” của Quách Tấn và Quách Giao).
Tại khu vực di tích Địa điểm nhà thầy Trương Văn Hiến (thôn Thắng Công, xã Nhơn Phúc, TX An Nhơn) hiện có ngôi miếu thờ thành hoàng làng được người dân xây dựng từ năm 1999.
Nơi được cho từng tọa lạc ngôi nhà của thầy giáo Trương Văn Hiến là thôn Thắng Công, xã Nhơn Phúc, TX An Nhơn; đây cũng là nơi ba anh em nhà Tây Sơn đến học trước khi dựng nên nghiệp lớn. Địa điểm này đã được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh từ tháng 3.2019. Vừa qua, chúng tôi tìm về địa điểm di tích, trò chuyện với người cao tuổi ở thôn Thắng Công là cụ Hà Chương Bình (93 tuổi), Nguyễn Văn Du (80 tuổi), họ đều bày tỏ sự kính ngưỡng khi ngay từ nhỏ đã được nghe ông bà kể về công lao của thầy giáo Hiến.
Riêng võ sư Lâm Ngọc Ánh (65 tuổi) thì hào hứng nhớ lại: Trong dịp Lễ hội kỷ niệm 200 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa ở huyện Tây Sơn, tôi cùng cha và nhiều môn sinh của võ đường Bình Sơn đã tham gia đoàn rước kiệu từ khu nhà thầy ngày xưa ở thôn Thắng Công đến tận Điện thờ Tây Sơn tam kiệt trong Bảo tàng Quang Trung. Tôi còn nhớ, khi ấy kiệu thầy Trương Văn Hiến đi đầu tiên, theo sau là ba kiệu của Tây Sơn tam kiệt... đoàn kiệu thầy - trò thu hút người dân đứng xem chật kín hai bên đường trên suốt toàn bộ quãng đường. Bấy nhiêu cũng đủ biết, người dân kính ngưỡng thầy giáo Hiến đến như thế nào.
Xây dựng Nhà tưởng niệm
Theo các cụ cao niên ở địa phương, từ xa xưa ngay dưới triều Nguyễn, người dân địa phương đã xây dựng tại điểm di tích một ngôi miếu nhỏ, bí mật thờ thầy Trương Văn Hiến. Do chiến tranh tàn phá, ngôi miếu bị hư hỏng nặng, đến năm 1978 khi làm nền sân kho đội 2 của HTX Nhơn Phúc, phần tàn tích còn lại cũng bị san bằng. Năm 1999, người dân đã xây dựng tại đây ngôi miếu thờ thành hoàng làng, đồng thời sử dụng làm nơi họp xóm. Trong khu vực này vẫn còn một đoạn nền móng miếu cũ và giếng đá ong là dấu tích của kiến trúc xưa.
Từ đề xuất của Sở VH&TT, ngày 5.9.2019, UBND tỉnh đã đồng ý cho chủ trương lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 công trình Nhà tưởng niệm thầy Trương Văn Hiến và giao cho UBND TX An Nhơn làm chủ đầu tư. Cuối tháng 3.2020, UBND TX An Nhơn đã có tờ trình xin ý kiến Ban Thường vụ Thị ủy, sau đó được thông qua về phương án thiết kế quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 công trình Nhà tưởng niệm thầy Trương Văn Hiến.
Dự kiến, công trình có tổng kinh phí đầu tư gần 17,2 tỷ đồng, trên diện tích đất quy hoạch khoảng 20.243 m2sẽ xây dựng: Nhà lưu niệm, chòi nghỉ chân, chòi bát giác bảo vệ giếng cổ, khu vực bảo vệ nền móng nhà cũ, sửa chữa khu miếu cũ, sân tập và biểu diễn võ thuật, sân nền và đường nội bộ...
Hiện UBND TX An Nhơn đang tiến hành các bước thủ tục tiếp theo để có thể triển khai xây dựng Nhà tưởng niệm thầy Trương Văn Hiến.
“Bên cạnh ý nghĩa tôn vinh nhân vật lịch sử, công trình sẽ trở thành điểm tham quan mới trong tuyến du lịch của tỉnh kết nối với di tích Thành Hoàng Ðế và các làng nghề truyền thống của An Nhơn như bún bánh An Thái (xã Nhơn Phúc), rượu Bàu Ðá (xã Nhơn Lộc), đồng thời tạo điều kiện cho các võ đường đang hoạt động tại khu vực này tham gia biểu diễn phục vụ du khách”.
Ông TÔ HỒNG PHƯƠNG, Trưởng Phòng VH-TT TX An Nhơn
“Người dân chúng tôi mong nhà lưu niệm thầy giáo Trương Văn Hiến sẽ mau chóng thành hình. Trên quê hương chúng tôi sẽ có thêm một công trình tốt đẹp góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ mai sau, đồng thời quê hương chúng tôi sẽ được nhiều người biết đến, tham quan”.
Cụ NGUYỄN VĂN DU, người dân thôn Thắng Công
HOÀI THU