Quốc hội thảo luận Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng
Chiều 23.5, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng và thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật này.
Vấn đề sửa đổi luật để đảm bảo công tác phòng chống cháy nổ, và ngăn chặn vi phạm trật tự xây dựng được nhiều đại biểu góp ý.
Mặc dù thống nhất với việc cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng đáp ứng đòi hỏi thực tiễn, tuy nhiên, các đại biểu đề nghị việc sửa đổi tập trung vào 3 nhóm. Đó là cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng; bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về xây dựng bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với pháp luật có liên quan.
Góp ý cụ thể vào dự án luật, một số đại biểu cho rằng tình trạng một số khu chung cư không đảm bảo điều kiện phòng cháy chữa cháy đã gây ra nhiều nguy cơ, việc sửa đổi Luật Xây dựng lần này là cơ hội để bổ sung các điều khoản nghiêm ngặt về phòng cháy chữa cháy trong nguyên tắc cơ bản trong hoạt động của đầu tư xây dựng.
Tại đầu cầu Quảng Bình, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, cứ trung bình 1 năm có trên 30 vụ cháy lớn, do vậy công tác phòng cháy chữa cháy cần phải được đảm bảo tối đa, tuyệt đối để ứng phó kịp thời khi tình huống xảy ra.
Trích dẫn khoản 2, điều 89 trong Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng quy định: ngoại trừ các công trình xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử, văn hóa, các công trình xây dựng ở nông thôn và nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, khu chức năng hoặc quy hoạch xây dựng khu dân cư nông thôn thì không phải xin giấy phép xây dựng, đại biểu Dương Minh Tuấn, đoàn Bà Rịa Vũng Tàu, cho rằng quy định như vậy thông thoáng, dễ bị lợi dụng, mà cần quy định gắn với quy mô xây dựng công trình.
Nhiều ý kiến bày tỏ thống nhất với quy định của dự thảo luật về việc các cơ quan thẩm định, thẩm tra, báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với kết quả thẩm tra. Quy định này buộc các cơ quan tổ chức thẩm định, thẩm tra các dự án phải tổ chức thẩm định một cách cẩn trọng, khách quan, khoa học để ngăn chặn các dự án không hiệu quả triển khai.
Tuy nhiên đại biểu Lê Quang Trí, đoàn Tiền Giang cho rằng, các quy định này còn thiếu ràng buộc trách nhiệm của người chủ trì và trách nhiệm của các cá nhân tham gia thẩm định, do vậy sẽ làm cho các kết quả thẩm tra thẩm định dự án thiếu khách quan, chính xác. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo soạn thảo có quy định cụ thể về thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng.
Nêu thực tế về việc vi phạm trật tự xây dựng còn nhức nhối đặc biệt ở các thành phố lớn thời gian qua, đại biểu Cao Đình Thưởng, đoàn Phú Thọ, đề nghị việc sửa đổi luật phải theo kịp thực tiễn, có những quy định để khắc phục tình trạng này. Đặc biệt là cần xác định rõ người, rõ việc, rõ quy trình. Lưu ý việc xử phạt hành chính trật tự xây dựng bằng tiền ít có tác dụng răn đe. Đại biểu đề nghị quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương tránh tình trạng phạt để cho tồn tại.
Về nội dung quy hoạch xây dựng và cấp phép xây dựng công trình có thời hạn trên đất có quy hoạch chậm triển khai, nêu rõ thực tế có nhiều quy hoạch triển khai quá chậm trễ, kéo dài so với quy định đã gây nhiều khó khăn, lãng phí, ảnh hưởng tới đời sống và quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, các đại biểu bày tỏ sự tán thành dự thảo luật đã kịp thời tiếp thu ý kiến góp ý để sửa đổi, bổ sung quy định về cấp giấy phép xây dựng có thời hạn nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân trong các khu quy hoạch chậm triển khai vào dự thảo luật đưa ra thảo luận tại kỳ họp này.
Theo Nguyên Nhung (VOV1)