Bệnh thoái hóa khớp gối
Thoái hóa khớp gối là bệnh mạn tính, thường tiến triển chậm. Nếu không được điều trị kịp thời, thoái hóa khớp có thể thúc đẩy sự hình thành của gai xương trên khớp gối dẫn đến bệnh gai khớp gối, đồng thời gây ra các biến chứng nguy hiểm như teo cơ, bại liệt, tàn phế...
Bác sĩ Nguyễn Văn Tâm, khoa Nội trung cao (BVĐK tỉnh) cho biết: “Người bệnh thường có cảm giác đau nhức ở vùng khớp gối và cơn đau tăng dần lên mỗi khi hoạt động hoặc di chuyển. Tình trạng cứng khớp xảy ra nhiều nhất vào buổi sáng sau khi ngủ dậy. Người bệnh sẽ không thể cử động được các khớp bị đau, phải nghỉ ngơi khoảng 10 - 30 phút mới giảm dần. Nếu thoái hóa khớp đang ở giai đoạn nặng thì triệu chứng cứng khớp sẽ kéo dài dai dẳng hơn. Bên cạnh đó, khi bị thoái hóa khớp, phần sụn, đệm giữa hai đầu xương bị hao mòn, dịch nhầy bôi trơn giảm và có phản ứng viêm. Biểu hiện triệu chứng viêm khớp này sẽ nghe rõ khi vận động mạnh kèm theo là cơn đau nhức dữ dội. Ngoài ra, người bị thoái hóa khớp gối còn có thể bị teo cơ, sưng tấy và biến dạng…”.
Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối. Người bệnh có thể được điều trị bằng các loại thuốc giảm đau, chống viêm, một số thuốc chống thoái hóa khớp có tác dụng chậm. Phương pháp điều trị bằng can thiệp ngoại khoa như điều trị nội soi khớp (rửa khớp, loại bỏ các thành phần ngoại lai trong khớp...); phẫu thuật thay khớp gối trong những trường hợp nặng, điều trị nội khoa và nội soi khớp không hiệu quả.
Phòng thoái hóa khớp gối cần có chế độ sinh hoạt, luyện tập, ăn uống khoa học, hợp lý, nhất là từ sau 40 tuổi. Tránh các tư thế không phù hợp hoặc có động tác đột ngột, quá mạnh khi làm việc, sinh hoạt. Kiểm soát cân nặng, tránh béo phì để giúp giảm áp lực lên các khớp xương. Cung cấp cho cơ thể những dưỡng chất cần thiết, tốt cho xương, sụn, giúp cân bằng quá trình thoái hóa và tái tạo của sụn khớp, làm tăng độ dẻo dai, sức bền cho cơ xương khớp.
MINH PHƯỢNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)