Chuẩn bị cho vụ trồng rừng mới
Theo kế hoạch, năm nay, toàn tỉnh trồng khoảng 8.500 ha rừng, trong đó gần 8.400 ha rừng sản xuất, còn lại là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Hiện các chủ rừng đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để trồng rừng đảm bảo kế hoạch.
Năm 2020, Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh (huyện Vân Canh) có kế hoạch khai thác 398,4 ha rừng trồng và trồng lại 330 ha rừng sau khai thác. Đến nay, công ty đã khai thác được 363,4 ha rừng trồng và triển khai các biện pháp cho vụ trồng rừng mới. Ông Cái Minh Tùng, Chủ tịch Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh, cho biết: “Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, chúng tôi phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng chống cháy rừng trong quá trình xử lý thực bì. Sau khi đốt và dọn thực bì sẽ tiến hành đào hố, bón phân lấp hố. Đến đầu mùa mưa, công ty sẽ tiến hành trồng rừng. Công ty cũng chuẩn bị khoảng 1,8 triệu cây giống cấy mô và giâm hom, trong đó 1 triệu cây giống cấy mô dùng để trồng rừng, còn 800 nghìn cây giống giâm hom cung ứng ra thị trường trong tỉnh”.
Người dân huyện Vân Canh khai thác rừng trồng.
Công tác chuẩn bị trồng rừng cũng đã được các địa phương triển khai. Tại xã Phước Mỹ - địa phương có diện tích rừng nhiều nhất TP Quy Nhơn với hơn 4.000 ha - nhiều hộ đã khai thác rừng trồng và chuẩn bị trồng lại rừng. Đến nay, toàn xã đã khai thác hơn 154,6 ha rừng trồng. Cùng với việc hướng dẫn người dân xử lý thực bì để trồng rừng vụ mới, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức trong công tác PCCC rừng.
Ông Nguyễn Tấn Tài, một chủ rừng ở thôn Thanh Long, xã Phước Mỹ, bộc bạch: “Trong tổng số 13,6 ha keo lai của gia đình, tôi xin phép xã để khai thác 3,4 ha rừng trồng từ 5 - 6 năm. Sau khi khai thác xong, tôi báo cáo với xã để xin xử lý thực bì, đảm bảo khoảng cách đường ranh cản lửa đốt thực bì từ 7 - 8 m. Cùng với đó, tôi cũng đặt cọc mua cây giống, phân bón để đến đầu mùa mưa sẽ trồng lại diện tích rừng sau khai thác”.
Vài năm trở lại đây, người trồng rừng trong tỉnh đã chú trọng nhiều hơn đến khâu chọn cây giống và cả kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng để tăng hiệu quả kinh tế. Ông Nguyễn Hữu Lộc, ở thôn Kinh Tế, xã Canh Vinh (huyện Vân Canh) trồng 4,6 ha rừng keo lai sử dụng giống cấy mô, trong đó có 3 ha rừng trồng được 7 năm đang khai thác. Ông Lộc chia sẻ: “Tôi dùng giống keo lai cấy mô vì nó cho năng suất gỗ cao hơn. Sau khi thu hoạch rừng trồng, tôi không đốt thực bì như mọi người thường làm mà xử lý bằng cách cho xe múc hố giặm thực bì để ủ làm phân bón nhằm bảo vệ môi trường, hạn chế nguy cơ cháy rừng. Đợt này khai thác xong 3 ha keo lai, tôi sẽ mua giống keo lá tràm cấy mô để trồng vì loại cây này cho chất lượng gỗ tốt hơn, lợi nhuận cao hơn”.
Theo kế hoạch năm nay, toàn tỉnh sản xuất khoảng 200 triệu cây giống lâm nghiệp để phục vụ nhu cầu trồng rừng trong tỉnh và ngoài tỉnh. Hiện tại, cả tỉnh đã sản xuất được hơn 40,4 triệu cây giống. Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Lê Đức Sáu cho biết: Để góp phần nâng cao chất lượng rừng trồng cho vụ trồng rừng mới, cùng với việc chú trọng tuần tra bảo vệ rừng, hướng dẫn các chủ rừng thực hiện các giải pháp PCCC rừng, kỹ thuật trồng rừng, Chi cục luôn chú trọng quản lý việc sản xuất, kinh doanh cây giống lâm nghiệp.
Trên cơ sở kết quả theo dõi diễn biến rừng năm 2019 được UBND tỉnh phê duyệt, Chi cục Kiểm lâm sẽ đo đạc lại diện tích rừng để xây dựng kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng; hướng dẫn các chủ rừng xây dựng phương án trồng rừng năm 2020 và thực hiện theo đúng tiến độ. Riêng các chủ rừng trồng rừng bằng vốn ngân sách Nhà nước, phải xây dựng hồ sơ thiết kế gửi Chi cục tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt thực hiện.
NGỌC NHUẬN