Chuyện “bà Tú Xương” ở Mỹ Đức
Ngược xuôi mua bán cá, chị Phan Thị Hiển ở thôn An Giang Tây, xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ đã nuôi chồng và ba con vào đại học.
1. Lập gia đình cách đây hơn 20 năm, cũng chừng đó thời gian chị Hiển gắn bó với gánh cá, chạy hết chợ này đến chợ khác, để chắt chiu từng đồng bạc lẻ “gồng gánh” nuôi cả chồng và con ăn học. Để có thể trò chuyện được nhiều, chị hẹn chúng tôi đến nhà từ 14 giờ 30 đến 15 giờ 30 hoặc sau 19 giờ, bởi thời gian còn lại chị luôn tất bật mua bán cá.
Mỗi ngày của chị bắt đầu từ 4 giờ sáng, xuống biển Mỹ Thắng (Phù Mỹ) mua cá chạy cho kịp bán ở chợ Bồng Sơn (Hoài Nhơn), đến khoảng 12 giờ trưa, chị ăn qua quýt miếng gì đó ở chợ rồi lại tất tả xuôi về biển Tân Phụng, xã Mỹ Thọ (Phù Mỹ) mua cá. Ba giờ chiều chị ghé nhà một chút rồi lại quẩy đôi gánh xuống chợ An Giang bán cá buổi chiều cho đến 19 giờ mới được sum họp với gia đình.
2. Đôi vai vốn đã gầy lại càng gầy hơn khi chị phải thay chồng gánh vác công việc gia đình, nuôi mẹ già, chăm con nhỏ trong thời gian anh học Đại học y khoa ở Huế 4 năm (2007- 2011). Chồng chị - bác sĩ Lợi bộc bạch: “Tôi đi học để nâng cao tay nghề, làm tốt hơn công việc nhưng gia đình lúc ấy không có tiền, 3 cậu con trai đang tuổi ăn tuổi học, mẹ già đau yếu quanh năm, chỉ mỗi mình vợ thì làm sao lo nổi...”. Nghĩ vậy nên ra Huế nhập học được 1 tháng anh Lợi bỏ về. Nhưng chị Hiển đã khóc và nằng nặc đòi anh phải đi học cho bằng được. “Chỉ cần cha con anh ráng học, thì khó khổ mấy em cũng ráng lo, ráng làm”, chị Hiển đã nói với chồng như vậy.
Bán cá không thôi chưa đủ, chị Hiển còn tranh thủ nuôi heo. Chị xởi lởi: “Được cái ông bà thương nên năm nào tui cũng xuất được 2 lứa heo thịt”. Chị, mẹ già và các con ăn “theo gánh cá”, còn tiền bán heo thì để dành gởi cho anh và đóng học phí cho các con.
Ấy vậy, việc học không được suôn sẻ khi bước vào năm thứ 3 anh bị tai biến nặng, liệt nửa người. Lần đầu tiên, chị Hiển rời gánh cá, bươn bả ra Huế nuôi chồng. Rồi anh được chuyển về bệnh viện ở Quy Nhơn, hết Quy Nhơn rồi lại chuyển ra Huế để chữa chạy…Tình yêu thương, sự chăm sóc hết lòng của chị cùng với ý chí của anh đã giúp bệnh tình của anh thuyên giảm. Chị cậy nhờ những người bạn ở Huế hằng ngày chở anh đi học, còn chị tất tả quay về với mẹ già, con nhỏ và gánh cá của mình.
3. Anh Lợi đi học xa lâu lâu mới về một đôi lần, nhất là từ khi ngã bệnh. Chị Hiển ngày càng trở nên vững vàng với vai trò “trụ cột” gia đình, động viên, theo dõi, giúp đỡ các con ăn học ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Đi suốt ngày, không được kề cận các con nhiều, nên mỗi tối về dù mệt chị cũng vác chiếu lên trải gần chỗ các con ngồi học, nằm nhìn các con học bài. Có đêm mệt quá ngủ thiếp đi, chị vẫn không chịu vào giường ngủ với lý do “mẹ ngủ đây cho vui để các con khỏi sợ”...
Biết mẹ khổ cực lo toan, biết bố lớn tuổi, bệnh nặng mà vẫn cố gắng vượt qua để đi học, nên các con của anh chị đều chăm ngoan, học giỏi.
Năm 2011, anh Lợi tốt nghiệp đại học. Vài tháng sau, con trai cả là Lê Xuân Quang cũng nhận được giấy báo đỗ đại học Luật TP Hồ Chí Minh. Năm kế tiếp, hai cậu con trai sinh đôi Lê Xuân Thanh và Lê Xuân Tâm cũng tiếp tục thi đỗ vào đại học Luật TP Hồ Chí Minh. “Mình khổ bao nhiêu cũng được, nhưng nhìn các con khổ mình không cầm lòng. Đứa nào cũng mới 7 tháng tuổi đã rời xa bầu sữa mẹ. Lớn lên lại không được sự chăm sóc cận kề của mẹ cha, thiếu thốn đủ bề, áo quần xộc xệch, sáng bỏ bụng lưng chén cơm nguội đi học, nước mang theo đến trường, sách học thì phải mượn bạn photo ra cho đỡ tốn...Khi 3 đứa con vào đại học, bà con hàng xóm cứ nhắc hoài “ba thằng ăn cơm nguội đậu đại học nè”, chị Hiển rơm rớm nước mắt thổ lộ.
Hình ảnh của chị Hiển làm chúng tôi nghĩ đến bà Tú Xương “Quanh năm buôn bán ở mom sông/Nuôi đủ năm con với một chồng”. Còn anh Lợi tự hào nói: “Nếu không có sự lam lũ, động viên và chia sẻ của vợ, chắc tui đã không có tấm bằng Đại học, các con tui không được như ngày hôm nay”.
Giờ đây, chị Hiển vẫn gánh cá ra chợ để các con yêu thương của mình được yên tâm ngồi học trên giảng đường. Có điều giờ bên chị đã có anh liền kề chia sẻ, gánh vác. Tôi đọc được trên gương mặt họ niềm hạnh phúc vô bờ.
THANH TRỌN - XUÂN LỘC
Cảm ơn 2 bạn Thanh Trọn và Xuân Lộc đã cho bạn đọc 1 câu chuyện thật cảm động. Chúc Chị Hiển thật nhiều sức Khỏe và mãi là niềm tự hào của Gia đình và Xã hội.
Đọc câu chuyện của chị Hiển tôi thật cảm động về đức hi sinh, lo toan, gánh vác cho chồng con. Phụ nữ ngày nay nên học tập đức tính này của chị. Tôi nghĩ chị là người sống có mục đích và trách nhiệm, đó là vì chồng vì con. và chỉ có lao động chân chính mới đem đến hạnh phúc bền vững cho chính mình và gia đình mình. Cảm ơn tác giả đã có bài viết về chị Hiển, một tấm gương sáng giàu nghị lực, biết vượt qua hoàn cảnh khó khăn, xây dựng gia đình hạnh phúc. Tôi chúc chị và anh luôn nhiều sức khoẻ để tiếp tục làm việc nuôi các con của mình ăn học thành tài.