Đảm bảo bí mật thông tin liên quan đến các vụ việc hòa giải
Phiên sáng 25.5, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận những vấn đề còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Dự kiến dự án Luật sẽ được biểu quyết tại kỳ họp này. Trước đó, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật này.
Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Đề nghị mở rộng đối tượng được bổ nhiệm Hòa giải viên
Hòa giải, đối thoại tại tòa án được quy định trong dự thảo Luật trình Quốc hội là một cơ chế pháp lý mới về hòa giải, đối thoại tại tòa án để cơ quan, tổ chức, cá nhân lựa chọn giải quyết tranh chấp.
Trong quá trình thảo luận cho thấy, dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án vẫn còn một số vấn đề lớn, còn nhiều ý kiến khác nhau như: kinh phí hòa giải, đối thoại tại tòa án; tiêu chuẩn bổ nhiệm Hòa giải viên; thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại tòa án; trách nhiệm của tòa án trong hoạt động hòa giải, đối thoại; thù lao cho hòa giải viên; trình tự nhận, phân công, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại tòa án; thời hạn hòa giải, đối thoại; người đại diện hợp pháp của các bên hòa giải, đối thoại; việc hoãn phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành.
Một vấn đề được nhiều đại biểu cho ý kiến là về tiêu chuẩn bổ nhiệm Hòa giải viên. Điều 9, dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định Hòa giải viên, Đối thoại viên ngoài đối tượng là người có chức danh tư pháp đã nghỉ hưu thì những người là luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác phải có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác mới có thể được xem xét bổ nhiệm làm Hòa giải viên.
Một số ý kiến tán thành quy định này nhằm góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ Hòa giải viên tại Tòa án, bởi lẽ đây là chế định đặc biệt nên cần thu hẹp nguồn bổ nhiệm theo hướng nâng cao điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm nhằm chuyên nghiệp hóa đội ngũ Hòa giải viên.
Một số ý kiến cho rằng, đối với luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác, dự thảo Luật chỉ cần quy định là có kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác của mình (hoặc thời hạn 5 năm) mà không cần giới hạn phải đủ 10 năm kinh nghiệm, bởi lẽ, nhiều trường hợp luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn trẻ nhưng có năng lực, trình độ, kỹ năng hòa giải tốt. Quy định theo hướng này sẽ góp phần mở rộng nguồn bổ nhiệm Hòa giải viên.
Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) đề nghị mở rộng thêm đối tượng được bổ nhiệm Hòa giải viên như trợ giúp viên pháp lý, cán bộ, công chức, viên chức chuyên ngành luật đã nghỉ hưu... nhằm thu hút đông đảo lực lượng Hòa giải viên, tổng hợp chất xám, kinh nghiệm năng lực, sở trường của các nhóm đối tượng này nhằm góp phần giảm tải áp lực cho ngành tòa án.
Về tiêu chuẩn bổ nhiệm Hòa giải viên, đại biểu cho rằng nên cân nhắc đối tượng là luật sư không nhất thiết phải có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác, vì họ đã được đào tạo bài bản, đã được cọ xát trong quá tình tham gia tố tụng, tranh tụng trên nhiều lĩnh vực.
Đưa dẫn chứng về kinh nghiệm trong công tác thu hút cộng tác viên trợ giúp viên pháp lý được quy định trong Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, theo đại biểu, kể từ khi có hiệu lực pháp luật đến nay việc thu hút cộng tác viên trợ giúp pháp lý rất khó khăn. Một trong những lý do là bị ràng buộc về điều kiện bổ nhiệm nên có rất ít đối tượng tham gia.
Do đó, đại biểu đề nghị tại khoản 1, Điều 9, dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án về tiêu chuẩn bổ nhiểm Hòa giải viên nên được viết lại như sau: "... đã là thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký tòa án, kiểm sát viên, kiểm tra viên viện kiểm sát, chấp hành viên thi hành án dân sự, thanh tra viên trước khi nghỉ hưu; luật sư, trợ giúp viên pháp lý, cán bộ công chức, viên chức có chuyên ngành luật đã nghỉ hưu; chuyên gia, nhà chuyên môn khác có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác, người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư nếu có đủ điều kiện có thể được bổ nhiệm thành Hòa giải viên."
Về vấn đề này, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, hiện có nhiều ý kiến đại biểu về tiêu chuẩn của Hòa giải viên, có ý kiến đề xuất bổ sung thêm vào thành phần hòa giải như hội thẩm nhân dân, thanh tra viên, điều tra viên... Điều kiện bổ nhiệm về thời hạn thâm niên có ý kiến khác nhau. Tất cả những ý kiến này sẽ được cơ quan soạn thảo tiếp thu, nghiên cứu.
Tuy nhiên, theo Chánh án, về điều kiện bổ nhiệm về thời hạn thâm niên, cơ quan soạn thảo thấy 10 năm là thời gian để có kinh nghiệm tốt hơn, giải quyết việc của dân sẽ tốt hơn.
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là vấn đề giữ bí mật các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải, đối thoại.
Về vấn đề này, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, hòa giải về mặt bản chất là tác động các bên tranh chấp, khơi dậy lòng vị tha, sự cao thượng, sẵn sàng chia sẻ khó khăn, trách nhiệm, đặc biệt là bên đi kiện, chia sẻ khó khăn với bên bị đơn, đi đến sự thống nhất giữa hai bên. Đồng thời, đảm bảo bí mật của hòa giải là nguyên tắc bao trùm của chế định này.
"Khi hòa giải, người ta trình bày cả những câu chuyện thầm kín như lý do ly hôn... Những việc như thế không thể đưa lên thành câu chuyện đàm tiếu. Hay chia tài sản thì không muốn cho người khác biết nhà mình có bao nhiêu tiền, nên về mặt đời tư thì phải giữ bí mật" - Chánh án cho biết.
Theo quy định tại dự thảo Luật, về các nguyên tắc cơ bản của hòa giải, đối thoại (Điều 3): Các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải, đối thoại phải được giữ bí mật theo quy định của Luật này. Các bên tham gia hòa giải, đối thoại có quyền yêu cầu Hòa giải viên, Đối thoại viên, Thẩm phán giữ bí mật những thông tin do mình cung cấp.
Theo đó, nhằm đảm bảo nguyên tắc các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải, đối thoại phải được giữ bí mật, dự thảo quy định trong quá trình hòa giải, đối thoại không được ghi âm, ghi hình hay ghi biên bản hòa giải, đối thoại.
Cụ thể, khoản 2, Điều 4 dự thảo lần 4 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định: "Trong quá trình hòa giải, đối thoại không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại. Việc lập biên bản chỉ được thực hiện để ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại theo quy định tại Điều 28 của Luật này. Hòa giải viên, các bên tham gia hòa giải, đối thoại được ghi chép để phục vụ cho việc hòa giải, đối thoại và phải bảo mật nội dung đã ghi chép."
Ngoài ra, Điều 4 dự thảo Luật cũng quy định những vấn đề bảo mật thông tin khác mà người tham gia hòa giải, đối thoại phải tuân thủ như Hòa giải viên, các bên tham gia hòa giải, đối thoại; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác được mời tham gia hòa giải, đối thoại không được tiết lộ thông tin mà mình biết được trong quá trình hòa giải, đối thoại, trừ khi có sự đồng ý của bên đã cung cấp thông tin.
Như vậy, thời gian tới nếu dự thảo Luật được thông qua thì việc hòa giải tại Tòa án sẽ chính thức được luật hóa, có văn bản quy phạm pháp luật cụ thể điều chỉnh.
Bên cạnh đó, việc đưa vấn đề bảo mật thông tin trở thành một nguyên tắc luật định cũng là quan điểm rất tiến bộ. Bởi hiện nay việc hòa giải tại Tòa án chỉ được quy định tại một số điều trong Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 và nguyên tắc hòa giải còn khá sơ sài, chưa đề cập được vấn đề bảo mật thông tin.
Theo Xuân Tùng (TTXVN/Vietnam+)