Phát huy vai trò cộng đồng thực thi Luật Thủy sản
Nhằm nâng cao trách nhiệm, phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong thực thi Luật Thủy sản, đầu tháng 2.2020, UBND TP Quy Nhơn ra quyết định công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ tại khu vực Bãi Dứa xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn.
Khu vực Bãi Dứa xã Nhơn Lý được giao quyền cộng đồng đồng quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ.
Đây là mô hình đồng quản lý ven bờ đầu tiên trong tỉnh và cả nước được thành lập và giao quyền theo Luật Thủy sản năm 2017. Khu vực biển Bãi Dứa xã Nhơn Lý nằm trong vùng biển vịnh Quy Nhơn với hệ sinh thái đa dạng, có nhiều thảm cỏ biển, rạn san hô, là nơi tồn cư nhiều loài thủy sản... Việc giao quyền cộng đồng quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản (BVNLTS) ven bờ tại khu vực này là bước tiến mới trong thực thi Luật Thủy sản tại tỉnh ta. Tổ cộng đồng có 60 thành viên là ngư dân, hộ dân kinh doanh dịch vụ du lịch, được giao quyền quản lý 8 ha mặt nước tại khu vực Bãi Dứa, có trách nhiệm tổ chức, quản lý, tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm liên quan đến nuôi trồng, khai thác thủy sản, du lịch, BVNLTS trong khu vực biển được giao quyền quản lý theo luật định.
Việc giao quyền cộng đồng đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ được người dân đồng tình ủng hộ.
Ông Nguyễn Thành Danh - Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý, Trưởng ban đại diện tổ cộng đồng BVNLTS ven bờ, cho biết: “Để đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân làm du lịch và ngư dân khai thác thủy sản tại khu vực này, UBND xã đã thả phao tiêu khoanh vùng khu vực bảo vệ rạn san hô, quy hoạch vị trí neo đậu các bè du lịch phục vụ hoạt động tắm biển, lặn ngắm san hô, vị trí khai thác thủy sản”.
Việc giao quyền cộng đồng đồng quản lý BVNLTS ven bờ được người dân đồng tình ủng hộ. Anh Nguyễn Hữu Đảo, chủ nhà hàng du lịch Khánh An, ở thôn Lý Chánh, bộc bạch: “Vài năm trở lại đây, hoạt động du lịch biển tại xã Nhơn Lý phát triển mạnh, song muốn làm du lịch bền vững thì rạn san hô, môi trường biển càng phải được giữ gìn thật tốt. Khi xã đề nghị tham gia tổ cộng đồng, các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch ở đây đồng tình ủng hộ ngay”.
Ngư dân Võ Ngọc Dũng, ở thôn Lý Hưng, chia sẻ: “Rạn san hô được bảo vệ tốt thì NLTS ven bờ mới bền, sinh kế của ngư dân mới dài lâu. Bởi vậy, từ lâu bà con Nhơn Lý đã chung tay bảo vệ hệ sinh thái biển, rạn san hô để tôm cá sinh sống, vừa mang lại sinh kế bền vững cho ngư dân, vừa giữ môi trường tốt để khai thác vào du lịch. Chúng tôi chia sẻ trách nhiệm với nhau, người này nói lại với người khác, góp phần nâng cao nhận thức cho cả làng cả xã”.
Lý giải về nguyên nhân chọn cộng đồng Nhơn Lý để giao quyền cộng đồng BVNLTS ven bờ - hình mẫu đầu tiên về đồng quản lý ven bờ theo Luật Thủy sản trong tỉnh và cả nước, ông Trần Kim Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), cho biết: Trước đây, xã Nhơn Lý đã thành lập mô hình đồng quản lý BVNLTS ven bờ, hoạt động rất hiệu quả. Chính vì thế, khi đầu tư du lịch tại Nhơn Lý, Tập đoàn FLC xin tỉnh giao luôn khu vực Bãi Dứa, nhưng UBND tỉnh không đồng ý mà để cho địa phương quản lý. Ngoài Bãi Dứa, trong năm nay, Chi cục phối hợp ngành chức năng, chính quyền các địa phương thành lập thêm nhiều mô hình tương tự tại khu vực phía Bắc đầm Thị Nại (TP Quy Nhơn, huyện Tuy Phước), đầm Trà Ổ (huyện Phù Mỹ), xã Nhơn Hải, Nhơn Châu và phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn).
Bà Thân Thị Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD), cho hay: “Từ thực tiễn đánh giá kết quả mô hình thí điểm tiếp cận quản lý nghề cá dựa vào hệ sinh thái, đồng quản lý trong BVNLTS theo Luật Thủy sản tại Bình Định, chúng tôi sẽ đưa ra các khuyến nghị, đề xuất xây dựng mô hình này tại khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, góp phần nhân rộng mô hình đến các khu bảo tồn khác trên cả nước”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN