Cuộc thi Sáng tác văn học Bình Ðịnh mở rộng năm 2018 - 2019: Đa dạng sắc màu
Cuộc thi Sáng tác văn học Bình Ðịnh mở rộng năm 2018 - 2019 đã thu hút được nhiều tác giả ở nhiều độ tuổi, vùng miền khác nhau ở 2 thể loại thơ và truyện ngắn. Ban tổ chức Cuộc thi vừa tổ chức lễ trao giải giản dị nhưng ấm áp, tươi vui.
Cuộc thi được đánh giá là thành công không chỉ ở số lượng tác phẩm dự thi, sự đa dạng vừa kể trên, mà còn ở tính phong phú trong sức sáng tạo, những sắc màu khám phá, thể hiện.
Ban tổ chức trao giải A truyện ngắn và thơ cho hai tác giả đoạt giải. Ảnh: THẢO KHUY
Mở rộng để tăng sức hút, tạo cơ hội sáng tạo
Theo Ban tổ chức cuộc thi, đây là cuộc thi sáng tác mở rộng đối tượng tham dự ra ngoài tỉnh, không hạn chế về đề tài, ưu tiên những tác phẩm viết về quê hương và con người Bình Định. Với “luật chơi” rộng mở ấy Cuộc thi đã thu hút đông đảo bạn viết trong toàn quốc.
Kết thúc cuộc thi, Ban tổ chức đã nhận được 1.308 tác phẩm thơ của 214 tác giả và 202 truyện ngắn của 83 tác giả. Trong suốt thời gian diễn ra cuộc thi, Ban sơ khảo đã đọc duyệt và đăng tải trên tạp chí Văn nghệ Bình Ðịnh 145 bài thơ và 35 truyện ngắn; đồng thời thống nhất chọn 149 bài thơ của 44 tác giả và 42 truyện ngắn của 32 tác giả vào chung khảo. Vì lượng tác phẩm tham gia lớn và chất lượng khá tốt nên Ban tổ chức đã trình UBND tỉnh trao thêm 2 giải B, 4 giải C và 3 giải khuyến khích so với cơ cấu giải thưởng ban đầu.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Nguyễn An Pha, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, cho biết: Bằng nhiều hình thức khích lệ, nuôi dưỡng, các thế hệ tiếp nối văn chương Bình Định chưa bao giờ ngưng lặng. Do vậy, tổ chức cuộc thi và mở rộng cuộc thi trên phạm vi toàn quốc nhằm mục đích khuyến khích phong trào sáng tác văn học, tạo điều kiện để các tác giả trong tỉnh giao lưu với văn chương bên ngoài, có dịp nhìn lại chính mình, để không ngừng nỗ lực vươn lên.
Ngay khi vừa được công bố, Cuộc thi đã tạo ra một sức thu hút lớn, sự sinh động thể hiện rất rõ ở số lượng tác phẩm dự thi phong phú. Sức thu hút còn được duy trì thường xuyên, từ những tác phẩm được in trên tạp chí Văn nghệ Bình Định. Sắc màu cuộc thi thêm phong phú khi các bạn viết mở rộng chủ đề và thảo luận sôi nổi trên không gian mạng.
Ở mảng truyện ngắn có 202 truyện ngắn của 83 tác giả dự thi trong đó có nhiều nhà văn tên tuổi, nhiều cây bút mới tham gia tạo nên sự phong phú về đề tài từ đời sống xã hội đến văn hóa, lịch sử, đề tài chiến tranh và hậu chiến… được thể hiện dưới nhiều bút pháp khác nhau. Ở mảng thơ, cuộc thi đã mở ra không gian thoáng, rộng về chủ đề, đề tài, về phương pháp sáng tác và tư duy sáng tạo. Điểm đáng chú ý của cuộc thi lần này là có nhiều tác giả dự thi cả chùm bài với nội dung phản ánh phong phú, đặc biệt đề tài về quê hương đất nước, về tình yêu, về thế sự được quan tâm tối đa, có hàm lượng nghệ thuật cao như chùm bài của các tác giả: Huỳnh Minh Tâm, Lê Văn Hiếu, Nguyễn Thường Kham, My Tiên, Vân Phi, Trần Quốc Toàn, Trương Công Tưởng, Trần Văn Thiên, Nguyễn Ngọc Hưng, Thái An Khánh...
Tạo dựng uy tín cho văn chương Bình Định
Nhà văn Nguyễn Hiệp, tác giả đạt giải B mảng truyện ngắn, đến từ Bình Thuận, chia sẻ: Tôi cảm nhận được sự tận tình, nỗ lực của Ban tổ chức vì cuộc thi của tỉnh nhưng quy mô rất lớn, thu hút được nhiều tác giả tham gia, tôi cũng được giao lưu học hỏi nhiều. Đặc biệt, tôi rất ấn tượng với những bạn viết trẻ của Bình Định, họ có giọng điệu riêng, có độ sâu nhất định, đó là điều đáng trân trọng. Từ đó cũng hé ra rằng Bình Định dày công và rất khéo chăm sóc tác giả trẻ.
Trong tinh thần cầu thị và nghiêm khắc, ông Trần Quang Khanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội VHNT Bình Định, Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Bình Định, Trưởng ban chung khảo, nhận định: Dù được ghi nhận là thành công, có nhiều tác phẩm tốt, Cuộc thi vẫn đọng lại vài điều cần trao đổi thêm, đơn cử như ở mảng truyện ngắn. Chúng tôi nhận được nhiều tác phẩm viết có nghề trong miêu tả, phân tích tâm lý nhưng lại không để lại ấn tượng vì vấn đề nêu ra quá cũ; cách xử lý như đường mòn vạch sẵn, khi con người và cuộc sống hiện nay vô cùng sinh động, biến đổi rất nhanh. Ngược lại cũng có một số tác phẩm bộc lộ sự tìm tòi, sáng tạo từ ý tưởng đến cách thể hiện nhưng chúng lại chưa chín, chưa thật thành công.
ĐỖ THẢO