“Khéo co” chi tiêu gia đình
Năm hết, Tết đến, giá một số mặt hàng thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu đang bắt đầu tăng, khiến nhiều bà nội trợ phải nghĩ ra những chiêu “thắt lưng buộc bụng” để cân đối chi tiêu trong gia đình...
Ngàn “chiêu” đối phó
Từ khi lập gia đình đến nay, chưa khi nào chị Phương Duyên, nhân viên Công ty May Bình Định, lại phải chắt bóp, chi tiêu dè xẻn đến thế. Khi giá gas tăng chóng mặt gần 520 ngàn đồng/bình, mỗi tháng bỏ ra từng ấy tiền một bình gas chị không khỏi lo lắng. Chị Duyên kể: “Nhà có con nhỏ, phải hầm cháo cho con nên trung bình 1 bình/tháng. Giờ tôi được các chị mách mẹo nhỏ, vo gạo, nấu sôi rồi đổ vào bình thủy, để qua đêm tới sáng gạo nhừ thành cháo khỏi phải hầm”. Chị còn hướng dẫn người trong nhà chỉ nên bật bếp gas vừa phải, không mở lửa to, tràn ra ngoài gây lãng phí. Song, thấy cách làm này vẫn chưa tiết kiệm được là bao, chị quay sang dùng bếp từ thay thế thường xuyên. Lại thấy mấy chị hàng xóm nấu nước uống bằng bếp than tổ ong, chị Duyên che chắn một góc ở khoảnh sân sau nhà làm chỗ đặt lò than nấu nước để uống và dùng tắm cho cả nhà trong mùa lạnh này.
Dù công việc khá bận rộn nhưng chị Minh Phúc, nhân viên văn phòng một cơ quan nhà nước, vẫn dành thời gian nghiên cứu các mặt hàng khuyến mãi, giảm giá ở siêu thị. Chị Phúc kể: “Thời điểm này, siêu thị bán nhiều mặt hàng bình ổn giá, giảm giá, tôi tính toán để mua những mặt hàng thiết yếu cho gia đình có thể để lâu được như giấy vệ sinh, bột giặt, nước rửa chén, dầu ăn… Khi mua số lượng lớn sản phẩm thì phải bỏ ra số tiền nhiều hơn, nhưng nếu tính giá lẻ sẽ rẻ hơn, và sẽ tiết kiệm tiền về lâu dài”. Ngoài ra, chị chuyển từ việc dùng sữa, lương thực thực phẩm của những thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam hoặc liên doanh nước ngoài sang dùng sản phẩm thương hiệu ít nổi tiếng hơn vì có giá rẻ hơn nhiều. Theo chị Phúc thì những sản phẩm này chất lượng gần như nhau, nhưng giá thì giảm hơn vì không phải là sản phẩm của thương hiệu mạnh.
“Khéo co thì ấm”
“Trên các diễn đàn dành cho phụ nữ như webtretho.com, phunu.net, hanhphucgiadinh.com…, chị em đua nhau mở topic chia sẻ và truyền đạt kinh nghiệm chi tiêu trong gia đình........”
Ngày nào cũng đi chợ và là người trực tiếp nấu bữa ăn cho cả gia đình, chứng kiến giá rau, thịt, cá... biến động mỗi ngày, chị Mai Trang, một giáo viên tiểu học, quyết định phải tính toán lại cách chi tiêu. Buổi sáng, chị dậy sớm nấu phở, bún hay miến, hôm thì chiên cơm với trứng hoặc nấu xôi để chồng và các con ăn sáng, vừa tiết kiệm tiền ăn sáng vừa khỏi lo mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Để tiết kiệm tiền đi chợ, chị chỉ mua những thứ cần thiết chứ không theo thói quen thấy gì “hay hay” thì mua như trước kia nữa. Nhờ cách làm này, chị Trang khoe tháng rồi chị đã “dắt lưng” được một khoản tiền nho nhỏ để dành chi tiêu cho dịp Tết.
Trước nay chỉ ở nhà nội trợ, giờ chị Tuyết Trinh, ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn, làm thêm món mực rim tại nhà để bán Tết. Hết việc này chị lại tìm việc khác như gắn hoa nhựa, làm bao bì bằng giấy. Từ những công việc lặt vặt này, chị kiếm thêm khoảng 30.000 - 50.000 đồng/ngày giúp gia đình trang trải khoản chi phí phát sinh, giảm gánh nặng cho chồng mà vẫn chăm sóc con cái chu đáo.
Ngoài ra, các chị em còn rủ nhau lên mạng học hỏi cách chi tiêu sao cho thật phù hợp và tiết kiệm nhất. Trên các diễn đàn dành cho phụ nữ như webtretho.com, phunu.net, hanhphucgiadinh.com…, chị em đua nhau mở topic chia sẻ và truyền đạt kinh nghiệm chi tiêu trong gia đình. Qua đọc câu chuyện của các bà nội trợ trên các diễn đàn mạng, chị Nguyệt, giám đốc một công ty tư nhân ở thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước tâm sự rằng chị bỗng giật mình về việc chi tiêu hơi “bạo tay” của mình trong thời buổi này. Vì vậy, chị đã chủ động cắt bớt chi phí không cần thiết, dành dụm ít tiền làm từ thiện giúp người khó khăn, để cảm thấy mình sống có ý nghĩa hơn.
HẢI YẾN