Xây dựng trung tâm võ thuật cổ truyền Bình Ðịnh: Thêm điều kiện bảo tồn, phát huy võ cổ truyền
Chủ tịch UBND tỉnh vừa giao các sở, ngành liên quan nghiên cứu triển khai quy hoạch địa điểm xây dựng Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Ðịnh. Khi hoàn thành, ngoài việc phục vụ cho bảo tồn, phát huy võ cổ truyền, công trình còn là điểm du lịch mang nét đặc trưng riêng của đất Võ.
Cần một “ngôi nhà riêng”
Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định được thành lập từ năm 2013, là trung tâm duy nhất của cả nước. Dù chỉ được phát triển cơ bản từ bộ môn võ cổ truyền thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh, nhưng khi đi vào hoạt động, Trung tâm đã có nhiều đóng góp trong phát triển phong trào tập luyện và thành tích thể thao tỉnh nhà, đặc biệt công tác bảo tồn, phát huy võ cổ truyền Bình Định. Với những đóng góp quan trọng đó, võ cổ truyền Bình Định đã được đưa vào danh mục các dự án ưu tiên đầu tư của Chính phủ về xây dựng hồ sơ Di sản Võ cổ truyền Bình Định trình UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Tuy nhiên, kể từ khi thành lập đến nay, toàn bộ cơ sở vật chất phục vụ công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và tập luyện của các VĐV Trung tâm đều thuộc sự quản lý của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động của đơn vị. Nhận thấy những khó khăn đó, năm 2018, được sự thống nhất của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương chọn địa điểm để quy hoạch xây dựng Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định tại khu đất quy hoạch Trung tâm TDTT thuộc Khu đô thị - Du lịch - Văn hóa - Thể thao hồ Phú Hòa (TP Quy Nhơn). Dẫu vậy, chủ trương này bị tạm dừng để triển khai việc hợp nhất 3 đơn vị thuộc Sở VH&TT thành một đầu mối.
Võ cổ truyền là sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có ở Bình Định.
- Trong ảnh: Các võ sinh Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định biểu diễn tại Lễ cúng tổ võ cổ truyền Bình Định.
Năm 2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có chủ trương không thực hiện việc sáp nhập Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định và tiếp tục đầu tư đáp ứng nhiệm vụ nghiên cứu, bảo tồn, đào tạo, huấn luyện võ cổ truyền gắn với phát triển du lịch. UBND tỉnh cũng có văn bản về việc không sáp nhập Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định. Trên cơ sở đó, Sở VH&TT đề nghị UBND tỉnh xem xét cho chủ trương tiếp tục thực hiện nội dung quy hoạch địa điểm xây dựng Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong các hoạt động phục vụ khách tham quan, trải nghiệm, quảng bá đặc trưng văn hóa Bình Định.
Cơ sở để triển khai nhiều hoạt động
UBND tỉnh đã giao Sở VH&TT phối hợp với Ban quản lý Dự án Dân dụng và Công nghiệp tỉnh xác định quy mô Trung tâm Võ thuật cổ truyền làm cơ sở lập đồ án quy hoạch chi tiết; đồng thời, rà soát quy mô đầu tư Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định để xác định tổng mức đầu tư, qua đó UBND tỉnh xem xét, quyết định đưa vào kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 làm cơ sở triển khai thực hiện.
Theo Sở VH&TT, tổng diện tích đất xây dựng Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định khoảng 3,5 ha, gồm các hạng mục như: Khu nhà thờ Hoàng đế Quang Trung, các văn thần, võ tướng thời Tây Sơn và các bậc tiền nhân đã xây dựng và phát triển võ cổ truyền Bình Định; nhà truyền thống lưu niệm (trưng bày thập bát ban binh khí, chân dung võ nhân, võ sư, tài liệu, thuốc võ…); nhà tập luyện kết hợp biểu diễn phục vụ khách tham quan du lịch và tổ chức thi đấu; khu nhà ở đa năng; phòng phục hồi thể lực…
Ông Bùi Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định, cho biết: “Với cơ sở vật chất được đầu tư bài bản, quy mô lớn, Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định sẽ phục vụ công tác đào tạo, huấn luyện, nghiên cứu, bảo tồn, phát huy võ cổ truyền và phục vụ du lịch. Do đó, nơi đây có thể đón du khách đến tham quan, tìm hiểu về võ cổ truyền Bình Định. Chúng tôi đã có ý tưởng thực hiện một số hoạt động phục vụ du khách như: Tham quan, tìm hiểu và xem biểu diễn võ cổ truyền Bình Định; tổ chức chương trình “Học kỳ võ thuật” để nhiều người trải nghiệm về phương pháp tập luyện võ cổ truyền; phục vụ các đoàn khách trong và ngoài nước lưu lại để tập luyện võ cổ truyền Bình Định…”.
HOÀNG QUÂN