Nguồn gốc của “chợ búa”
Về tên chợ, có nhiều phương thức định danh. Tên chợ ở Bình Định rất tiêu biểu cho điều này. Chẳng hạn, gọi tên chợ theo tên địa phương (như chợ Tam Quan, chợ Diêu Trì); theo kiểu đơn vị hành chính (chợ Huyện); theo kiểu địa hình nổi bật tại nơi đặt chợ (chợ Đầm, chợ Gò); theo tên công trình nổi bật gần cạnh (chợ Dinh, chợ Cây Xăng); theo tên mặt hàng nổi bật (chợ tre An Lương, chợ nón Cát Tân); theo quy mô chợ (chợ Lớn); theo thời gian họp chợ (chợ Đêm, chợ phiên An Nhơn)...
Chợ búa được định danh theo phương thức nào? Câu trả lời là không theo phương thức nào cả vì đây chẳng phải là tên riêng của một chợ nào. Giả sử chợ búa là chợ bán búa (gọi tên chợ theo tên mặt hàng) thì rất khó để tên gọi một ngôi chợ cụ thể, với chỉ một món hàng duy nhất lại có thể dùng để chỉ chung cho mọi ngôi chợ bán đủ mọi mặt hàng với nghĩa khái quát.
Chợ búa thật ra là một tổ hợp đẳng lập gốc Hán. Trong đó, chợ bắt nguồn từ chữ thị trong tiếng Hán (nghĩa là “chợ”). Mối quan hệ ngữ âm giữa th- và ch- ta có thể gặp trong các trường hợp: thủ ~ chờ, thu ~ chở, thụ ~ cho, thư ~ chị. Quan hệ giữa -i và -ơ cũng xuất hiện trong nhiều trường hợp: kì ~ cờ, thi ~ thơ, ti ~ tơ…
Về búa, theo học giả An Chi, yếu tố này bắt nguồn từ chữ phố, nghĩa là “cửa hàng, nơi buôn bán”. Không khó để chứng minh mối quan hệ ngữ âm giữ phố và búa. Giữa ph- và b-, cũng như phủ ~ búa, phóng ~ buông, phòng ~ buồng… Giữa -ô và -ua, cũng như bồ (phù) ~ bùa, bố ~ bủa…
Như vậy, chợ và búa là hai yếu tố đẳng lập có nghĩa gần gũi. Đây là lý do khiến cho tổ hợp chợ búa mang nghĩa khái quát (cũng như buôn bán, nhà cửa, thuyền bè, xe cộ). Búa trong chợ búa không phải là cái búa, một vật dụng để đóng; càng không phải là yếu tố vô nghĩa. Chẳng qua, theo thời gian, nó bị mờ nghĩa mà thôi.
Th.S PHẠM TUẤN VŨ