Những niềm vui từ RtR
Thấy được sức tác động tích cực của mô hình thư viện thân thiện Room to Read (RtR), dù không còn được dự án tài trợ nữa (từ năm 2018), nhưng vì lợi ích của học sinh, nhiều trường vẫn tìm nguồn để duy trì, phát triển mô hình này.
RtR & những tác động nối dài
Đến nơi khi Trường Tiểu học số 1 thị trấn Phù Mỹ (huyện Phù Mỹ) đã gần đến giờ tan học, tôi hơi lo sẽ không chụp được ảnh các em đọc sách vì thường các em đọc sách ở giờ ra chơi. Hỏi thăm một số phụ huynh đứng ở cổng trường, họ vui vẻ khoe - còn chờ mấy đứa nhỏ đọc sách ở thư viện.
Cô Ngô Thị Thanh Bình, phụ trách thư viện Trường Tiểu học số 1 thị trấn Phù Mỹ, kể: “Các em rất thích đọc sách, trao đổi ở RtR, nhiều em còn đến gặp từ đầu giờ để hỏi tôi hôm nay cô có mở cửa thư viện không. Hồi đầu, cứ sau giờ tan học, nhiều em ở lại thư viện đọc sách, trong khi ngoài cổng trường phụ huynh chờ “mỏi”, nên tôi phải dặn, các con muốn đọc sách thì xin phép trước kẻo ba mẹ đứng chờ sốt ruột. Giờ thì quen rồi, nhiều phụ huynh thấy con mình ham đọc còn rất vui. Chứng kiến niềm vui của các em rồi cả niềm vui của phụ huynh, tôi tự thấy mình phải có trách nhiệm nhiều hơn”.
Minh Thảo và Quỳnh Anh luôn cùng nhau đọc sách ở thư viện tại Trường Tiểu học số 1 thị trấn Phù Mỹ.
Ông Huỳnh Văn Phát, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Phù Mỹ, cho biết thêm: Dù Dự án RtR đã không còn tài trợ nữa nhưng thực tế cho thấy RtR mang lại cho học sinh rất nhiều lợi ích chứ không chỉ là mở mang kiến thức nên chúng tôi cố gắng sắp xếp kinh phí, tìm nguồn hỗ trợ để phát triển RtR. Chúng tôi đang bàn cách xin mở rộng thư viện, trang trí đẹp hơn nữa vì ở lứa tuổi tiểu học, các em thích hình ảnh, màu sắc tươi mới. Khảo sát của tôi cho thấy, các em ham đọc sách thường ngoan và học lực đều đạt từ loại khá trở lên. Khi đến với RtR dần dần các em cũng ham học, hoạt bát và thân thiện hơn. Nhiều phụ huynh cũng ủng hộ trường duy trì, phát triển mô hình này.
Giống như ở Phù Mỹ, một số địa phương khác cũng xây dựng thư viện theo mô hình RtR. Ông Trần Văn Tho, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Canh Liên (huyện Vân Canh), cho hay: Với trẻ em miền núi, việc có thư viện bắt mắt, phù hợp có ý nghĩa rất lớn. Sẵn cơ sở thư viện do Công ty Honda Việt Nam tài trợ, năm học 2018 - 2019, trường bổ sung sách, trang trí để xây dựng thư viện theo mô hình RtR, tổ chức các tiết học hướng dẫn đọc sách. Từ ngày thư viện vận hành theo phong cách RtR, các em tỏ ra ham học, ham đọc, năng động. Phần nào thư viện này bù được một phần thiệt thòi vì thiếu các loại hình giải trí cho các em, nghĩ vậy nên chúng tôi nỗ lực phát triển RtR ở trường.
Chia sẻ về tác động của thư viện vận hành theo mô hình RtR, bà Mai Thị Vinh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Phước Hiệp (huyện Tuy Phước), cho biết: Chúng tôi có triển khai nhân rộng mô hình, khuyến khích học sinh đọc sách. Song vì nhiều lý do đến nay vẫn mới chỉ đa dạng về số lượng đầu sách - loại sách. Tới đây chúng tôi sẽ tìm cách tổ chức quản lý, sắp xếp sách sao cho khoa học, bài bản hơn; đồng thời trang trí lại thư viện cho thêm hấp dẫn, bắt mắt. Ngay cả thủ thư cũng đang tích cực học hỏi từ những đơn vị khác để hoàn thiện thư viện.
Duy trì thói quen đọc sách
Bà Lê Thị Điển, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, chia sẻ: Dự án thư viện thân thiện Room to Read đã kết thúc từ 2 năm trước nhưng đến nay mô hình thư viện ở các trường vẫn duy trì hoạt động rất tốt, thậm chí còn thu hút sự chú ý của nhiều trường học khác. Điểm khiến tôi thấy rất vui là các em đã tìm thấy nhiều điều bổ ích, thú vị từ việc đọc sách, ham đến thư viện và dần hình thành được thói quen đọc sách.
Học sinh có hứng thú đọc và thích đọc sách hay không một phần rất quan trọng từ sự tác động của giáo viên, thủ thư cũng như môi trường đọc sách. Cô Ngô Thị Thanh Bình, phân tích: Ở thư viện vận hành theo kiểu cũ, các em không được chính tay mình lựa sách, mức độ tự chọn rất thấp nên nhiều khi thủ thư gợi ý, giới thiệu sách các em vẫn không thích, không đọc. Mình làm thủ thư phải để ý các em thích điều gì, những thể loại sách theo từng độ tuổi, từng lớp để mà bổ sung. Sách và không gian nơi đọc sách cũng phải cập nhật, mới mẻ thì các em mới hứng thú với sách hơn.
Bà Hoàng Ngọc Tố Nương, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tuy Phước, cho biết: Thời gian qua, những thư viện RtR do dự án tài trợ và các thư viện mở rộng vẫn duy trì các hình thức vận hành như tiết đọc thư viện, tổ chức ngày đọc sách gắn với các chủ điểm. Chúng tôi còn tổ chức hội thi tiết đọc thư viện giỏi dành cho giáo viên. Thư viện hoạt động tốt, các em hứng thú đến thư viện sẽ hình thành thói quen đọc sách sớm hơn và đọc tốt hơn, chất lượng môn tiếng Việt cũng nâng cao. Đến nay, ở Tuy Phước đã có 30 trường tiểu học xây dựng được RtR.
Nán lại đọc sách sau giờ tan học, em Nguyễn Thị Minh Thảo và em Nguyễn Thị Quỳnh Anh (học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học số 1 thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ) nhanh chóng chọn cho mình cuốn sách yêu thích. Em Minh Thảo thích truyện tranh như Doreamon, Trạng Quỳnh, còn Quỳnh Anh thích tất cả các sách trong thư viện vì cuốn nào cũng hay. Thảo khoe, em với Quỳnh Anh là bạn thân nên hay chơi cùng nhau, đến thư viện cùng nhau. Chúng em đã đọc sách ở thư viện lâu lắm rồi đấy!
THẢO KHUY - HỒNG HÀ