Chủ động phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm
Thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và bổ sung chất dinh dưỡng nhằm tăng sức đề kháng cho vật nuôi là những giải pháp căn cơ đang được người chăn nuôi trong tỉnh triển khai nhằm bảo vệ an toàn đàn gia súc, gia cầm trong mùa nắng nóng.
Chủ động bảo vệ vật nuôi
Ý thức được các loại dịch bệnh nguy hiểm, như dịch tả heo châu Phi, lở mồm long móng, dịch cúm gia cầm có thể tái phát, gây hại vật nuôi bất cứ lúc nào, người chăn nuôi tại các địa phương đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng vệ.
Để bảo vệ tốt đàn vịt 10.000 con, ông Võ Văn Thoại, ở thôn Thọ Tân Bắc, xã Nhơn Tân (TX An Nhơn) đầu tư xây dựng hệ thống tường rào bao quanh khuôn viên trại chăn nuôi. Bên cạnh đó, ông Thoại còn xác lập quy định, toàn bộ người và phương tiện trước khi vào trại đều phải khử độc sát trùng. Thậm chí ông còn cho rắc vôi trên các lối đi trong trại.
Lực lượng thú y TX An Nhơn hỗ trợ ông Võ Văn Thoại, ở thôn Thọ Tân Bắc, xã Nhơn Tân, tiêm vắc xin phòng, chống dịch cúm gia cầm cho đàn vịt.
Ông Thoại chia sẻ: “Mùa nắng nóng là mùa của dịch bệnh, vì thế mình phải chăm sóc vật nuôi kỹ lưỡng hơn. Đàn vịt là tài sản lớn, nên tôi giành nhiều thời gian chăm sóc nó. Theo đó, vịt nuôi được 1 tuần tuổi, tôi tiêm vắc xin phòng chống bệnh phổi; từ 12 - 14 ngày tuổi thì tiêm thêm vắc xin phòng chống bệnh tả. Vịt tầm 1 tháng tuổi, tôi tiêm vắc xin phòng cúm và 20 ngày kế tiếp sẽ tiêm thêm vắc xin phòng bệnh tụ huyết trùng. Ngoài ra, tôi còn bổ sung các loại thức ăn giàu chất dinh dưỡng và vitamin C để tăng sức đề kháng cho vịt”.
Tương tự, hộ ông Đỗ Thành Tây, ở thôn Gia Đức, xã Ân Đức (huyện Hoài Ân) cũng chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn heo. Ông Tây cho hay: Tôi thiết kế chuồng trại đảm bảo thoáng mát vào mùa hè, tránh được mưa tạt, gió lùa vào mùa mưa. Thường thì tôi tắm cho heo 1 lần/ngày, nhưng mùa nắng nóng, tôi tăng lên 2 lần/ngày, cho heo uống nhiều nước hơn, bổ sung các loại thức ăn có nhiều khoáng chất, để tăng sức đề kháng. Bên cạnh đó, tôi tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng chống bệnh lở mồm long móng, dịch tả heo châu Phi, tụ huyết trùng.
Theo ông Nguyễn Hữu Khúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, người chăn nuôi bây giờ rất chủ động, không ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước như trước đây nữa. Không chỉ tiêm phòng, thực hiện các biện pháp phòng vệ từ xa, họ còn chủ động tiếp cận các thiết bị, kỹ thuật mới trong chăm sóc, phòng bệnh cho vật nuôi. “Lãnh đạo huyện chỉ đạo ngành thú y thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn cho người chăn nuôi. Nhờ vậy, đàn heo 203 nghìn con tại 66 trang trại quy mô lớn, 1.926 gia trại và trên 8.000 hộ dân ở Hoài Ân đang sinh trưởng phát triển tốt”, ông Khúc thông tin.
Toàn tỉnh có hơn 291 nghìn con trâu bò, 874 nghìn con heo và trên 8 triệu con gia cầm. Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), cho biết: Công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm được người dân đặc biệt quan tâm, tỷ lệ tiêm phòng các loại dịch bệnh nguy hiểm đạt trên 80% so với tổng đàn. Đây là tiền đề rất quan trọng đảm bảo để ngành chăn nuôi phát triển an toàn, ổn định.
Không được chủ quan, lơ là
Mặc dù nhiều tháng qua, các loại dịch bệnh nguy hiểm không tái phát, song vi rút gây bệnh vẫn còn tồn tại trong môi trường. Nắng nóng kéo dài khiến sức đề kháng của vật nuôi giảm là điều kiện thuận lợi để các loại vi rút phát triển. Mặt khác, nhu cầu tiêu dùng thịt và các sản phẩm động vật trên thị trường đang tăng, khiến việc mua bán, vận chuyển động vật, đặc biệt là heo, ra vào tỉnh nhiều hơn; đây là yếu tố khiến nguy cơ tái phát dịch bệnh cao hơn. Bởi vậy, tại nhiều cuộc họp và qua các đợt kiểm tra sản xuất, chăn nuôi trong vụ Hè Thu năm 2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu đã lưu ý ngành chức năng, chính quyền các địa phương không được chủ quan, lơ là, phải nghiêm túc thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ vật nuôi.
Trao đổi về vấn đề trên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đào Văn Hùng cho hay: Hiện ngành Nông nghiệp tỉnh đang phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền đề phòng dịch bệnh trong mùa nắng nóng, động viên người chăn nuôi chủ động phòng dịch, đồng thời các địa phương phòng chống dịch bệnh tốt hơn, tỉnh còn hỗ trợ thêm thuốc thú y. Bên cạnh đó, đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các phương tiện vận chuyển động vật ra vào tỉnh, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh. Phối hợp và hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương xây dựng cơ sở giết mổ gia súc tập trung, nhằm đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, góp phần ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh và bảo vệ môi trường sinh thái.
PHẠM TIẾN SỸ