Xao nhãng ứng phó với biến đổi khí hậu
Bình Định là tỉnh chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu (BĐKH). Vì vậy, những năm qua, nhiều chương trình, kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH đã được UBND tỉnh, các sở, ngành, đoàn thể và địa phương quan tâm, thực hiện. Tuy nhiên, gần đây, công tác này có dấu hiệu bị xao nhãng.
Ngay từ năm 2010, Văn phòng Điều phối về BĐKH (CCCO) Bình Định đã được thành lập. CCCO Bình Định đã kết nối, hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế về BĐKH, như: Viện Chuyển đổi môi trường và xã hội; Quỹ Rockefeller (Mỹ); Chương trình Mạng lưới các thành phố ở châu Á có khả năng chống chịu với BĐKH; Viện Khí tượng Thủy văn Hải văn và Môi trường; Viện Chiến lược và Chính sách khoa học - Công nghệ; Quỹ châu Á tại Việt Nam; Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức… Từ những mối quan hệ này, CCCO Bình Định đã nhận được nhiều chương trình, dự án về ứng phó với BĐKH. Tiêu biểu như các dự án, chương trình: Cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH tỉnh Bình Định; Kế hoạch thực hiện “Thỏa thuận Paris về BĐKH”; Xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với BĐKH cho đồng bào dân tộc thiểu số; Chiến lược mới tái tạo thiên nhiên cho các thành phố thông qua các giải pháp dựa vào tự nhiên; Sáng kiến thanh niên về thích ứng với BĐKH. Các chương trình, dự án nói trên đã thu hút được nhiều sở, ngành, địa phương và cơ quan, đoàn thể trong tỉnh tham gia và tạo ra nhiều tác động nhất định.
Nhưng mấy năm gần đây, các chương trình, dự án, hoạt động liên quan đến vấn đề ứng phó với BĐKH thưa dần thậm chí trở nên mờ nhạt. Các đoàn công tác và các chuyên gia về BĐKH của các tổ chức nói trên cũng hầu như “vắng bóng” ở Bình Định…
Có thể nói, tình trạng trên quả là đáng lo ngại. Bởi lẽ, BĐKH đã trở thành vấn đề toàn cầu, tác động đến mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ. Theo các nhà khoa học, trong vòng 20 năm tới, mức độ thiệt hại do BĐKH đối với Việt Nam sẽ tăng mạnh. Theo đó, nếu không có những biện pháp giải quyết hiệu quả, những tác động của BĐKH sẽ khiến Việt Nam tổn thất 11% GDP vào năm 2030 và nước biển dâng sẽ làm Việt Nam thiệt hại khoảng trên 4 tỷ USD… Đối với Bình Định, theo các nhà khoa học, đến năm 2100, số người dân bị ảnh hưởng trực tiếp do BĐKH sẽ tăng lên khoảng 60.500 - 65.900 người (chiếm tỷ lệ 4,18 - 4,56%)…
Những cảnh báo về nguy cơ của BĐKH quả là đáng lo ngại. Thiết nghĩ, các sở, ngành, địa phương, đơn vị và các đoàn thể trên địa bàn cần quan tâm hơn đến công tác ứng phó với BĐKH. Bởi lẽ, sự xao nhãng của chúng ta hôm nay sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường trong tương lai.
VIẾT HIỀN