Hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của một gia đình người có công: Cần được quan tâm, hỗ trợ hiệu quả hơn
Gia cảnh của bệnh binh Phạm Thị Huệ (70 tuổi, ở khu phố An Bình, thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát) nhiều năm nay đặc biệt khó khăn khi bà và các con gái đều có biểu hiện tâm thần, đứa cháu ngoại vì thiếu sự chăm sóc, dạy dỗ có nguy cơ bỏ học, lêu lổng.
Nhiều biến cố gia đình
Theo Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Bá Phụng, Trưởng nhóm Nghĩa tình đồng đội - Sư đoàn 3 Sao Vàng, thì: Bà Phạm Thị Huệ sinh năm 1950, nguyên quán thôn Chánh Thiện, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, thoát ly năm 1965 (khi 15 tuổi) và tham gia phục vụ cách mạng tại Trạm xá Trung đoàn 2 (Sư đoàn 3 Sao Vàng), làm cấp dưỡng. Bà lập gia đình cùng đồng đội là ông Nguyễn Văn Khoa, quê TP Đà Nẵng, thương binh hạng 1, sau giải phóng về quê chồng sinh sống. Năm 1979, chồng bà mất vì vết thương tái phát; tiếp đến người con trai duy nhất 12 tuổi do mâu thuẫn với người thân đã dại dột tự vẫn. Những mất mát của gia đình càng đẩy bà Huệ và hai con gái vào hoàn cảnh khó khăn hơn.
Ngôi nhà gia đình bà Huệ đang ở, được đồng đội xây tặng nay đã xuống cấp.
Hay tin, nhóm đồng đội cũ Sư đoàn 3 Sao Vàng, trong đó có vợ chồng ông Nguyễn Bá Phụng - bà Ngô Thị Kim Ánh nhiều lần ra thăm, động viên và sắp xếp đưa 3 mẹ con bà Huệ hồi hương, định cư ở quê ngoại theo nguyện vọng thiết tha của bà. Ngôi nhà hiện tại của bà Huệ tại khu phố An Bình là nhà tình nghĩa do đồng đội xây tặng năm 2000.
Sau khi về quê, được đồng đội, bà con địa phương tận tình giúp đỡ, gia đình bà Huệ tạm ổn, tinh thần bà được vực dậy và tập trung làm việc, nuôi dạy hai con gái học đến cấp III. Tuy nhiên, biến cố, bất hạnh lại xảy đến, dồn dập và phức tạp hơn, đẩy gia đình bà vào hoàn cảnh bi đát.
Chị Nga và chị Phượng - hai con gái bà Huệ, lần lượt phát bệnh tâm thần khi đang học cấp III. Cả hai chị đều làm mẹ đơn thân “bất đắc dĩ” trong tình trạng hạn chế về năng lực hành vi. Nghiêm trọng hơn là chị Nga bị tai nạn tàu hỏa mất 1 chân. Sau khi chăm sóc chị Nga chữa lành chân và sinh nở (đứa bé được cho một gia đình không có con nuôi để có điều kiện sống tốt hơn), bà Huệ gửi chị Nga vào Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn. Hiện bà Huệ sống cùng mẹ con chị Phượng, đứa cháu ngoại đang học lớp 6.
Bản thân bị bệnh và lớn tuổi, lẽ ra được nghỉ ngơi, chăm sóc, nhưng bà Huệ (bên phải) vẫn phải cáng đáng gia đình.
Những biến cố gia đình liên tiếp xảy ra đã khiến bà Huệ từ một người vốn hoạt bát, vui vẻ đã suy sụp, có biểu hiện bị tâm thần. Bà hay nghe trong đầu văng vẳng tiếng đạn bom thời chiến tranh, ngỡ đang sống dưới hầm (bà tìm mang về rất nhiều gạch đá và biến nhà mình thành lô cốt). Ngoài ra, bà Huệ còn có những biểu hiện như giận dữ, tự ái, từ chối khi có người đến nhà thăm, giúp đỡ, tặng quà. Điều này cũng khiến cho công tác hỗ trợ, giúp đỡ gia đình bà có phần hạn chế.
Cần có hướng giúp đỡ hiệu quả
Cả gia đình bà Huệ sống bằng trợ cấp bệnh binh khoảng 2,5 triệu đồng/tháng của bà và các ưu đãi từ chính sách hộ nghèo, bên cạnh đó là sự quan tâm của đồng đội, các nhà hảo tâm, hội, đoàn thể địa phương, cộng đồng.
Tuy vậy, vấn đề cấp bách hiện nay là bà Huệ và con gái cần được thăm khám, xác định tình trạng bệnh tâm thần và chăm sóc, chữa trị. Đứa cháu ngoại cũng cần được chăm sóc, giáo dục trong điều kiện tốt hơn vì cháu đang có nguy cơ bỏ học, hư hỏng.
Tại Hội nghị triển khai công tác người có công năm 2020 của tỉnh, đã dẫn ra các con số: Ðến cuối năm 2019 toàn tỉnh còn 269 hộ người có công thuộc diện hộ nghèo, 317 hộ cận nghèo và 2.038 hộ gia đình chính sách nhà ở còn tạm bợ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh chỉ đạo trong năm nay phải dứt điểm xóa nghèo cho đối tượng này; toàn ngành LÐ-TB&XH, từng địa phương, cơ sở trong tỉnh nâng cao nhận thức, phát huy tinh thần trách nhiệm và đạo lý uống nước nhớ nguồn để thực hiện tốt hơn công tác đền ơn đáp nghĩa.
Bà Nguyễn Thị Kim Chung, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Ngô Mây xác nhận, hộ bà Phạm Thị Huệ là gia đình chính sách thuộc diện hộ nghèo đã nhiều năm, tồn tại nhiều khó khăn đặc thù mà địa phương rất trăn trở và đang tìm những giải pháp lâu dài, hiệu quả hơn. Hiện, trở ngại lớn nhất là việc vận động, giải thích cho gia đình hiểu được sự quan tâm hỗ trợ của địa phương để hợp tác, có cuộc sống tốt hơn cho mẹ con bà, như đưa đi giám định tâm thần, chữa bệnh… Địa phương đang liên lạc với người thân của bà Huệ để cùng phối hợp vận động, tìm hướng giải quyết.
Với trường hợp đặc biệt như gia đình bà Huệ, thiết nghĩ, sự giúp đỡ mang tính trước mắt của các hội, đoàn thể, cộng đồng lâu nay là chưa đủ, mà cần có sự quan tâm, vào cuộc trách nhiệm, mạnh mẽ hơn của chính quyền địa phương.
SAO LY