Ứng dụng KH&CN tại địa phương: Cần bám sát nhu cầu thực tế
Nhiều đề tài, dự án KH&CN được ứng dụng vào thực tế góp phần không nhỏ nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện đời sống người dân. Song, vẫn còn không ít đề tài, dự án nghiên cứu không phát huy giá trị thực tế, gây lãng phí ngân sách, nguồn lực xã hội.
Vườn ớt nhà chị Võ Thị Thu Trinh (thôn Chánh Hội, xã Mỹ Cát, Phù Mỹ) xanh tốt nhờ phun chế phẩm vi sinh trùn quế.
Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh có 47 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học được nghiệm thu trên nhiều lĩnh vực. Nhiều đề tài, dự án đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả một số cây trồng, vật nuôi và sản phẩm hàng hóa.
Dẫn chứng như đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất chế phẩm vi sinh trùn quế để nâng cao năng suất, hạn chế một số bệnh trên một số cây trồng cạn tại Bình Định” của kỹ sư Trịnh Văn Minh - Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Phù Mỹ, đã tạo ra một chế phẩm vi sinh trùn quế dùng làm phân bón hữu cơ thân thiện với môi trường, phù hợp nền nông nghiệp sạch hiện nay. Ông Võ Minh Long (thôn Chánh Hội, xã Mỹ Cát, Phù Mỹ) cho rằng chế phẩm vi sinh trùn quế phù hợp với những cây trồng cạn, như: Hành, kiệu, rau dưa, đậu phụng, đặc biệt là ớt. Nhờ dùng chế phẩm, ông thu về 1 tấn ớt/sào, trong khi canh tác trước đây chỉ chừng 700 - 800 kg/sào; tăng gần 10% năng suất và thu nhập.
“Nghiệm thu năm 2019, đến nay, sản phẩm nghiên cứu chế phẩm vi sinh trùn quế được người dân tin dùng, nhân rộng ứng dụng tại các huyện: Phù Cát, Phù Mỹ và Hoài Nhơn. Một số hộ dân còn tận dụng chất thải chăn nuôi, nuôi trùn quế để cung cấp nguyên liệu cho đơn vị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân”, kỹ sư Trịnh Văn Minh vui vẻ nói.
Đề tài “Nghiên cứu sản xuất men rượu phục vụ sản xuất rượu đặc sản tại các làng nghề truyền thống của tỉnh Bình Định” của Th.S Huỳnh Xuân Trường (Sở KH&CN) đã nghiên cứu ra men rượu có nguồn gốc từ chủng vi sinh, đảm bảo tiêu chuẩn TCVN 7043:2013 cho rượu chưng cất. Đến nay, sản phẩm được Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KHCN tỉnh tiếp tục giữ giống, sản xuất men cung cấp cho nhiều hộ nấu rượu tại các làng nghề trong tỉnh, cũng như chuyển giao công nghệ cho một số đơn vị trong và ngoài tỉnh. Ông Phan Ngọc Tâm (thôn Trung Hiệp, xã Mỹ Chánh Tây, Phù Mỹ) nhận xét: “Rượu nấu ra từ men này đậm đà, có nồng độ, mùi thơm và năng suất cao hơn các loại men thường. Nhờ đó, chất lượng rượu làng nghề cũng được nâng cao, sản phẩm đi xa hơn”.
Phun chế phẩm vi sinh AT-YTB xử lý mùi hôi chuồng trại tại một hộ dân ở xã Nhơn Lộc (An Nhơn).
Những nghiên cứu ứng dụng trên lĩnh vực y tế, môi trường… cũng phát huy hiệu quả tốt, giải quyết nhiều bài toán khó trong thực tiễn, như: Mô hình xử lý rác thải tập trung, rác thải sinh hoạt và chăn nuôi bằng chế phẩm AT-YTB tại xã Nhơn Lộc (TX An Nhơn); nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm cây hoa cảnh tại làng nghề thôn Bình Lâm (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước); ứng dụng kỹ thuật Gil-Vernet cải tiến lấy sỏi san hô thận của TTYT TP Quy Nhơn...
Theo Giám đốc Sở KH&CN Lê Công Nhường, nhờ đổi mới về cơ chế quản lý nhiệm vụ KHCN, các đề tài, dự án KHCN trong giai đoạn 2016 - 2020 đều bám sát thực tế và mang tính ứng dụng cao. Tuy vậy, vẫn còn đề tài, dự án KHCN khó ứng dụng vào thực tiễn do chưa sát với nhu cầu thực tế địa phương. Một số đề tài được đánh giá tốt, nhưng chưa tìm được “đầu ra” vì không còn đảm bảo tính mới. Trong khi đó, các mô hình KHCN được xây dựng ở địa phương không đảm bảo tính bền vững và chưa hiệu quả.
“Để các mô hình, dự án nghiên cứu KH&CN triển khai hiệu quả hơn, đáp ứng nhu cầu ứng dụng thực tiễn, thời gian tới, Sở KH&CN sẽ tăng cường kiểm tra, quản lý, giám sát chặt chẽ hơn khi thực hiện khảo nghiệm các mô hình ứng dụng KHCN. Hiện, chúng tôi cũng đang tiến hành đánh giá lại hiệu quả ứng dụng của các đề tài, dự án KHCN, dự kiến hoàn tất vào cuối năm nay”, ông Lê Công Nhường cho hay.
HỒNG HÀ