Phát triển rừng gỗ lớn: Người dân chưa mặn mà
Trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Nhưng, người dân chưa mặn mà với trồng rừng gỗ lớn, bởi đòi hỏi nhiều chi phí, thời gian chăm sóc, mức độ rủi ro cao.
Cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh kiểm tra diện tích rừng trồng gỗ lớn của đơn vị.
Tại Bình Định, diện tích rừng sản xuất của hộ gia đình, cá nhân chiếm khoảng 80% trong tổng số hơn 118 nghìn ha rừng trồng toàn tỉnh, nhưng người dân chỉ trồng rừng theo chu kỳ từ 5 - 7 năm là khai thác bán gỗ nguyên liệu để làm dăm gỗ, viên nén gỗ, lợi nhuận không cao. Người dân vẫn chưa mặn mà tham gia trồng rừng gỗ lớn.
“Về lâu dài, cần khuyến khích DN liên kết với người dân trồng rừng gỗ lớn theo mô hình “cánh đồng rừng gỗ lớn”. DN đứng ra lo vốn đầu tư cho người dân, mua bảo hiểm rừng trồng; còn người dân bỏ công chăm sóc, khai thác và bán sản phẩm cho DN liên kết. Tuy vậy, cũng phải giải quyết lo ngại của DN trong liên kết với người dân, tránh tình trạng người dân bán sản phẩm cho DN khác mua gỗ với giá cao hơn. Trên thực tế, tình trạng này đã từng xảy ra ở nhiều DN liên kết nông dân trồng lúa rồi!”.
Ông PHAN TRỌNG HỔ, nguyên Giám đốc Sở NN&PTNT
Ông Nguyễn Hữu Lộc, một chủ rừng ở xã Canh Vinh (Vân Canh), chia sẻ: “Biết rằng trồng rừng gỗ lớn chu kỳ 10 năm trở lên thì trên cùng một diện tích lợi nhuận cao gấp 3 - 5 lần so với rừng trồng gỗ nhỏ như hiện nay. Nhưng người dân không đủ tiềm lực kinh tế, không những vậy trồng rừng gỗ lớn thời gian chăm sóc dài gặp rất nhiều rủi ro thiên tai, dịch bệnh”. Tương tự, ông Nguyễn Tự Trọng, chủ rừng ở xã Tây Phú (Tây Sơn) đặt vấn đề: Trồng rừng chu kỳ 5 - 6 năm cũng gặp nhiều khó khăn lắm rồi, chỉ mong tới ngày khai thác để có thu nhập, nếu kéo dài thêm 4 - 5 năm nữa thì khó xoay trở vốn. Nên chăng có sự hỗ trợ của Nhà nước, hoặc DN liên kết làm thì người dân mới có điều kiện trồng.
Không chỉ cần vốn đầu tư lớn, trồng rừng gỗ lớn còn chịu nhiều rủi ro, như cây ngã đổ do gió bão, cháy rừng… Với mức độ rủi ro cao, thiệt hại lớn, đến giờ cũng chưa có DN kinh doanh bảo hiểm bán bảo hiểm rừng trồng cho người trồng rừng.
Chuyên gia về lâm nghiệp - TS Nguyễn Đình Thành, Trưởng phòng Nghiên cứu xã hội (Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH tỉnh), cho hay: “Tỉnh ta chưa có điều kiện để hỗ trợ người dân phát triển rừng gỗ lớn. Ở Quảng Ngãi, để khuyến khích người dân trồng rừng gỗ lớn, tỉnh có chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân trồng rừng 10 triệu đồng/ha để mua cây giống, trồng, chăm sóc. Với những vùng rừng đảm bảo được điều kiện sinh trưởng của cây gỗ, quá trình trồng và thực hiện kỹ thuật chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng thì cũng cần có chính sách hỗ trợ để phát triển, tạo đà nhân rộng mô hình trồng rừng gỗ lớn trong tỉnh”.
Theo TS Thành, định hướng phát triển rừng gỗ lớn không chỉ chú trọng hiệu quả kinh tế sản phẩm gỗ mà cần tính đến khai thác du lịch sinh thái, dưới tán rừng, trồng dược liệu dưới tán rừng gỗ lớn để tăng hiệu quả kinh tế.
Đến nay, toàn tỉnh chỉ có 3 Công ty lâm nghiệp, gồm: Quy Nhơn, Hà Thanh, Sông Kôn thực hiện chuyển hóa và trồng rừng gỗ lớn với hơn 2.900 ha theo phê duyệt của UBND tỉnh. Để thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển cây gỗ lớn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2035, ông Lê Đức Sáu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT), cho biết: “Chúng tôi đã tham mưu Sở NN&PTNT, UBND tỉnh thực hiện chính sách ưu đãi hỗ trợ về đất đai, kỹ thuật trồng rừng, chính sách tín dụng… để khuyến khích người dân tham gia trồng rừng gỗ lớn. Đồng thời, khuyến khích DN tham gia với vai trò hạt nhân liên kết với người dân trồng rừng gỗ lớn, xây dựng chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy chuỗi chế biến sâu về đồ gỗ xuất khẩu”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN