Chuyển dịch khỏi Trung Quốc: Việt Nam nằm trong nhóm đón ngành điện tử
Ý tưởng chuyển dịch doanh nghiệp khỏi Trung Quốc ngày càng được củng cố. Nhà kinh tế trưởng Julien Marcilly đề xuất giải pháp đa dạng hóa các nhà cung cấp.
Tiến sĩ kinh tế học tài chính Julien Marcilly - nhà kinh tế trưởng của Công ty Bảo hiểm ngoại thương Pháp (COFACE) - đánh giá cú sốc do đại dịch Covid-19 gây ra đối với hoạt động kinh tế đã đạt quy mô đặc biệt. Chính vì vậy, hiện tượng bất ngờ này dẫn đến phản ứng thái quá là điều bình thường.
Quá trình chuyển dịch sản xuất khỏi Trung Quốc sẽ mang lại lợi ích cho các nước châu Á khác - Ảnh: AFP
Dịch tác động đến chiến lược doanh nghiệp
Qua khủng hoảng y tế Covid-19, các nước có xu hướng chọn giải pháp gia tăng chủ nghĩa bảo hộ trong khi các doanh nghiệp và ngay cả các hộ gia đình đã xem xét lại dự báo tăng trưởng hoặc thu nhập dự kiến và ưu tiên cho tiết kiệm dự phòng.
Đây là phản ứng dây chuyền mang tính chất ngắn hạn và phải mất nhiều thời gian để giải tỏa phản ứng này.
Trả lời báo Les Echos (Pháp), nhà kinh tế trưởng Julien Marcilly đánh giá khi suy nghĩ đến tương lai dài hạn, các doanh nghiệp đã đặt câu hỏi về chuyển dịch các chuỗi giá trị khỏi Trung Quốc cũng như mức độ phụ thuộc của họ vào nước ngoài.
Khủng hoảng y tế Covid-19 ngay khi chỉ mới hoành hành ở Trung Quốc đã cho thấy một chuỗi giá trị có thể bị gián đoạn nhanh như thế nào, vậy nên các doanh nghiệp đã nảy sinh ý tưởng chuyển dịch khỏi Trung Quốc.
Trường hợp tiêu biểu gần đây như Chính phủ Nhật đã tuyên bố sẽ hỗ trợ các công ty Nhật chuyển dịch đầu tư ra khỏi Trung Quốc đến các nơi khác mà không nhất thiết phải chuyển về Nhật.
Chuyển dịch nhưng vẫn phải phụ thuộc
Trong làn sóng chuyển dịch doanh nghiệp khỏi Trung Quốc, giải pháp đơn giản nhất là gì?
Nhà kinh tế trưởng Julien Marcilly giải thích: "Lý tưởng nhất là đa dạng hóa các nhà cung cấp để bảo đảm không bỏ tất cả trứng vào một giỏ. Tuy nhiên vẫn phải tâm niệm rằng ngay cả trong trường hợp di dời doanh nghiệp, không thể xóa bỏ hoàn toàn tình trạng phụ thuộc vào nước ngoài".
Nguyên nhân do các nhà thầu phụ vẫn có thể tìm nguồn cung ứng hàng từ các công ty nước ngoài. Như vậy không còn là phụ thuộc trực tiếp mà là phụ thuộc gián tiếp.
Các nước được hưởng lợi
Tiến sĩ Julien Marcilly đề xuất dựa trên lý thuyết chuyên môn hóa ngành nghề, một số quốc gia mới nổi tầm trung bình có thể được hưởng lợi từ những thay đổi trong định hướng.
Ông nêu rõ: "Các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan, Hàn Quốc hoặc lãnh thổ Đài Loan có thể tiếp nhận các chuỗi giá trị trong ngành điện tử. Campuchia, Bangladesh và Myanmar đã có chuyên môn về dệt may và họ có thể tăng cường lĩnh vực này".
Trong lĩnh vực ôtô, ông cho rằng các doanh nghiệp có thể tìm đến các quốc gia Trung Âu và Đông Âu, Thổ Nhĩ Kỳ hoặc thậm chí là Morocco để tìm môi trường sản xuất thuận lợi. Trong khi đó, các doanh nghiệp Mỹ có thể chọn đầu tư nhiều hơn vào Mexico.
Nói chung trong lĩnh vực điện tử, quá trình chuyển dịch khỏi Trung Quốc sẽ mang lại lợi ích cho các nước châu Á khác. Còn trong lĩnh vực ôtô, các doanh nghiệp có thể xây dựng cơ sở ngay trong khu vực của mình.
Theo HOÀNG DUY LONG (TTO)