Khi việc đã thuận lòng dân
Cách đây 7 năm, lần đầu về xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, tôi đã có nhiều ấn tượng đẹp về cách thức Hoài Hương xã hội hóa xây dựng thiết chế văn hóa ở địa phương. Tiêu biểu như thôn Thiện Đức Đông, một gia đình đã hiến tặng tới 1.500 m2 đất, rồi người dân trong thôn đóng góp gần 1/3 kinh phí xây dựng nhà văn hóa thôn (tổng chi phí 400 triệu đồng) trên mảnh đất này. Chưa hết, họ còn đóng góp để xây dựng thêm nhà vệ sinh, tường rào, sân khấu và bàn ghế, ti vi, loa… để nhà văn hóa thôn có thể vận hành thật tốt, đủ sức thu hút mọi người đến sinh hoạt, giao lưu.
Những năm sau này, tìm hiểu khá nhiều nhà văn hóa thôn ở một số huyện trong tỉnh, thấy có nơi xây dựng hoành tráng phần “vỏ” bên ngoài chủ yếu từ kinh phí nhà nước cấp nhưng bên trong “ruột” lại không có trang thiết bị..., thì chúng tôi lại nhớ đến Thiện Đức Đông. Nhiều thôn khác của xã Hoài Hương cũng có cách tạo dựng các công trình phục vụ đời sống văn hóa - xã hội. Họ có nhiều cách nói về những công trình ấy nhưng nét chung là phải làm thật tốt để chính mình xài; và để dân có thể sử dụng tối đa công năng của công trình, cán bộ từ thôn tới xã cùng nhau suy nghĩ định hướng nội dung hoạt động.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hoài Hương Mai Văn Mức, người dân chủ động thỏa thuận cùng đóng góp làm đường và đề xuất với thôn, sau đó thôn xin chủ trương của đảng ủy, chính quyền xã để triển khai, không chỉ các công trình văn hóa, toàn xã có 20,52/25,07 km đường bê tông, còn lại 4,55 km đường được cứng hóa cũng được làm theo cách thức này.
11/11 thôn ở Hoài Hương đã có nhà văn hóa, khu thể thao quy hoạch diện tích đạt chuẩn. Nghe chuyện Nhà văn hóa thôn Thiện Đức vừa “lên đời” với tổng chi phí hơn 180 triệu đồng, trong đó phần do UBND xã chỉ hỗ trợ 30 triệu, còn lại là của dân, tôi hỏi chuyện và được ông Mức hào sảng giải thích, xây dựng lên đâu có khó, khó là có chịu xài không, xài như thế nào cho có ích đấy! Ở đây, chúng tôi bàn chuyện đầu tư không mất nhiều thời gian bằng chuyện mình sẽ làm gì, sinh hoạt những nội dung nào... Tôi chợt nhớ ở cổng vào thôn văn hóa Thạnh Xuân có viết hai câu: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu - Khó vạn lần dân liệu cũng xong”, nhiều chuyện khó được người dân Hoài Hương làm gọn hơ như vậy đó, khi việc đã thuận lòng dân!
MAI THƯ