Tuyên truyền, phòng chống sản phẩm văn hóa độc hại
10 năm thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 27.7.2010 của Ban Bí thư về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã lồng ghép, triển khai nhiều hoạt động tích cực.
Tuyên truyền sâu rộng
MTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn thể tỉnh đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống đến các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là giới trẻ. Nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng tuyên truyền đã được triển khai như: Tuyên truyền trực quan, thông qua hội nghị, sinh hoạt đoàn thể, diễn đàn, hội thi… Trong 10 năm, MTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn thể tỉnh đã tổ chức hơn 53.600 buổi tuyên truyền đến hàng trăm nghìn lượt đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia, góp phần nâng cao nhận thức và trình độ nhận biết, tẩy chay các sản phẩm văn hóa độc hại, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc.
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư hàng năm là dịp để tạo không gian sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao lành mạnh cho đông đảo nhân dân, góp phần phòng ngừa chống sự xâm nhập của sản phẩm văn hóa độc hại.
- Trong ảnh: Nhân dân xã miền núi Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thạnh) biểu diễn điệu múa truyền thống trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2019.
MTTQ và các tổ chức thành viên phối hợp triển khai thực hiện thường xuyên việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và đấu tranh chống quan điểm sai trái trong văn học, nghệ thuật; Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030… Mặt trận các cấp phát hiện, biểu dương những điển hình tiên tiến góp phần quan trọng trong việc giữ gìn đạo đức, thuần phong mỹ tục, phòng chống bài trừ các hủ tục lạc hậu, sản phẩm văn hóa độc hại.
Phát huy vai trò của người có uy tín tại khu dân cư, các chức sắc tôn giáo, trưởng các dòng họ, MTTQ các cấp đã tổ chức lồng ghép tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội; xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa... 1.122 nhóm nòng cốt, 115 tổ hòa giải với 8.392 hòa giải viên và 70 mô hình tiêu biểu trên các lĩnh vực tại khu dân cư đã và đang góp phần nâng cao ý thức tự quản, tự giác, phòng ngừa của mỗi cá nhân, gia đình trong việc tẩy chay, ngăn chặn, loại bỏ các sản phẩm văn hóa độc hại.
Thông qua các cuộc vận động, phong trào
Thông qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, nhiều quy ước, hương ước của khu dân cư được xây dựng, bổ sung. Tính tự giác của quần chúng nhân dân trong việc thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng khu dân cư được phát huy; nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; phong trào ông, bà, cha, mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, gia đình, dòng họ hiếu học được khơi dậy, từng bước góp phần đẩy lùi sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại ở địa bàn khu dân cư.
Anh Đinh Văn Đăng (47 tuổi, làng 6, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thạnh), một gia đình được biểu dương trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, chia sẻ: “Địa phương thường xuyên phổ biến các kiến thức, kinh nghiệm làm ăn, nuôi dạy các con không vi phạm pháp luật, giữ gìn văn hóa truyền thống, lưu giữ những giá trị tốt đẹp. Từ những kiến thức này, cộng với xem ti vi, nghe đài, tôi làm gương cho các con, xây dựng gia đình hòa thuận, văn hóa, chăm sóc cảnh quan xung quanh nhà để làm cho làng đẹp hơn, sạch hơn”.
Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 92,9% số hộ được công nhận gia đình văn hóa (tăng 11,7% so với năm 2010); 893 khu dân cư được công nhận danh hiệu Làng văn hóa, Thôn văn hóa, Khu phố văn hóa, đạt 79,5% (tăng 29,9% so với năm 2010). Có 77/121 xã xây dựng nông thôn mới đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; có 80,2% số xã đạt tiêu chí văn hóa; hầu hết khu dân cư không có trẻ em bỏ học...
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư nhân kỷ niệm ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam (18.11) hàng năm là dịp để tạo không gian sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao lành mạnh, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực do MTTQ Việt Nam tỉnh phát động và tổ chức thực hiện đã vun đắp giá trị truyền thống, đạo lý tốt đẹp, góp phần phòng chống sự xâm nhập của sản phẩm văn hóa độc hại. Các hoạt động chung tay cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ cứu đói cho người dân có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vừa qua là một dẫn chứng thuyết phục.
NGUYỄN MUỘI