Thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử: Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp
Nghị định số 45/2020/NÐ-CP ngày 8.4.2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng để đẩy nhanh tiến độ hiện đại hóa nền hành chính công.
Theo Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nguyễn Thái Bình, việc thực hiện hiệu quả Nghị định 45 sẽ góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ tư duy của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị nhà nước đối với phương thức sử dụng công nghệ thông tin và chữ ký số cá nhân chuyên dùng trong giải quyết, phê duyệt kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Đồng thời, từng bước thay đổi nhận thức của người dân, DN về giá trị pháp lý của văn bản điện tử để người dân, DN tin tưởng, lựa chọn phương thức giao dịch TTHC trực tuyến bằng văn bản điện tử thay cho phương thức giao dịch trực tiếp tại các cơ quan nhà nước bằng văn bản giấy, qua đó đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của tiến trình xây dựng Chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh.
● Cụ thể, để Nghị định 45 phát huy vai trò trong thực tiễn, những nội dung nào sẽ được triển khai thực hiện, thưa ông?
- “Điểm nghẽn” của việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến từ trước đến nay là văn bản điện tử được số hóa từ văn bản giấy để nộp hồ sơ TTHC trực tuyến không có giá trị pháp lý để xem xét, giải quyết theo quy định. Bất cập này đã được Nghị định 45 giải quyết thông qua dịch vụ “Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính giấy tờ” để phục vụ cho việc thực hiện giao dịch TTHC trực tuyến.
Đầu tư mua sắm đầy đủ trang thiết bị và nâng cấp đường truyền là hoạt động quan trọng để thực hiện Nghị định 45.
- Trong ảnh: Bộ phận Một cửa của UBND huyện Hoài Nhơn đã được đầu tư hiện đại.
Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ thì dịch vụ chứng thực này sẽ được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trong thời gian tới để triển khai thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Người dân và DN phải đăng ký tài khoản tại Cổng Dịch vụ công quốc gia để có thể thực hiện dịch vụ này.
Về phía các cơ quan nhà nước của tỉnh, Kế hoạch thực hiện Nghị định 45 của UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai cho cán bộ, công chức, viên chức được phân công giải quyết các TTHC trên lĩnh vực chứng thực tiến hành đăng ký tài khoản trên Cổng Dịch vụ công quốc gia để thực hiện dịch vụ chứng thực cho người dân, DN hoặc có thể kiểm tra, xác thực kết quả chứng thực bản sao điện tử từ bản chính theo quy định tại Điều 10 của Nghị định 45.
Bên cạnh đó là đầu tư mua sắm đầy đủ trang thiết bị (máy scan, máy tính) và nâng cấp đường truyền để đảm bảo cho việc cấp bản sao điện tử, chứng thực bản sao điện tử, tiếp nhận, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử.
Một điều đáng chú ý nữa là sẽ tiến hành số hóa kết quả giải quyết TTHC bản giấy đang còn hiệu lực thi hành theo quy định tại Điều 25 và Điều 27, Nghị định 45. Theo Kế hoạch thực hiện Nghị định 45, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã sẽ tiến hành đánh giá tình hình thực trạng và xây dựng kế hoạch số hóa kết quả giải quyết TTHC từ văn bản giấy (còn hiệu lực, thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị mình) sang dữ liệu điện tử để xây dựng, hình thành cơ sở dữ liệu dùng chung trên Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh.
Theo tôi, đây là nhiệm vụ rất khó và hết sức nặng nề nhưng có vai trò rất quan trọng để phục vụ cho công tác giải quyết TTHC trên môi trường điện tử trong tương lai. Nếu thực hiện thành công thì đây sẽ là một bước tiến mới, tạo tiền đề rất tốt cho tiến trình xây dựng một xã hội số, dần “nói không” với văn bản giấy theo chủ trương chung của Chính phủ.
● Nhằm cụ thể hóa Nghị định 45, ngày 25.5, UBND tỉnh đã ban hành Quy chế hoạt động Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh. Theo ông, đâu là điểm mới nổi bật, mang lại lợi ích lớn từ Quy chế này?
- Theo Quy chế, kết quả giải quyết TTHC điện tử có thể được chuyển đổi thành văn bản giấy thông qua tính năng sẵn có của Hệ thống một cửa điện tử và Cổng Dịch vụ công của tỉnh (Quy chế gọi là “văn bản chuyển đổi”). UBND tỉnh quy định các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan phải thực hiện nghiêm túc quy định về giá trị của “văn bản chuyển đổi” do Hệ thống một cửa điện tử cung cấp trong hoạt động thực thi công vụ của các cơ quan quản lý nhà nước và trong các hoạt động cung ứng dịch vụ cho người dân, DN của các tổ chức kinh doanh dịch vụ theo chức năng, nhiệm vụ và phạm vi thẩm quyền.
“Ðể đẩy mạnh việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến, UBND tỉnh đã quy định việc gương mẫu đi đầu sử dụng dịch vụ công trực tuyến khi thực hiện TTHC cho cá nhân và gia đình của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan, đơn vị. Ðồng thời, quy định thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm của người đứng đầu trước cấp có thẩm quyền và trước UBND tỉnh đối với kết quả triển khai thực hiện Quy chế”.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh NGUYỄN THÁI BÌNH
Việc xác minh nội dung thông tin trên “văn bản chuyển đổi” do công chức, viên chức, nhân viên các cơ quan, đơn vị tự kiểm tra thông qua Cổng Dịch vụ công hoặc Hệ thống một cửa điện tử hoặc bằng các biện pháp nghiệp vụ khác; tuyệt đối không yêu cầu tổ chức, công dân cung cấp “văn bản chuyển đổi” có đóng dấu của các cơ quan có thẩm quyền, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định cụ thể.
Đây là một vấn đề hết sức mới mẻ, bản chất là chuyển những việc của người dân, DN phải làm như trước đây sang cho công chức, viên chức, nhân viên nhà nước và các đơn vị cung ứng các dịch vụ khác ngoài xã hội phải làm để phục vụ đến nơi, đến chốn cho người dân, DN.
Theo đó, việc quy định giá trị của “văn bản chuyển đổi” nhằm góp phần tạo điều kiện tối đa cho người dân, DN hạn chế việc đi đến các cơ quan công quyền xin văn bản giấy có đóng dấu để thực hiện TTHC hoặc thực hiện các giao dịch khác trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống hằng ngày theo đúng quy định tại Điều 18 Nghị định 45.
● Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)