Quản lý & tiết kiệm năng lượng trong xây dựng: Vì một Quy Nhơn xanh
Ðể giảm chi phí điện năng trong quá trình vận hành, giảm ô nhiễm môi trường, các công trình xây dựng xanh được khuyến khích. Ở tỉnh ta, ngành xây dựng quan tâm, động viên người dân, DN chuyển đổi xây dựng công trình theo hướng thân thiện, tiết kiệm tối đa năng lượng, đặc biệt là ở TP Quy Nhơn.
Từ một số mô hình thí điểm
Năm 2018, trên cơ sở các quy định của bộ, ngành và UBND tỉnh, Sở Xây dựng khảo sát một số công trình lớn trên địa bàn tỉnh, đánh giá hiệu quả vận hành năng lượng, đề xuất các giải pháp thí điểm mô hình quản lý năng lượng hiệu quả cho công trình xây dựng dân dụng, tiêu thụ nhiều năng lượng, đặc biệt ở mảng chiếu sáng công cộng. Ở mảng này, Sở Xây dựng thí điểm dự án cải tạo, thay thế hệ thống đèn chiếu sáng đường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn); kết quả sau khi chuyển hệ thống đèn chiếu sáng cũ sang sử dụng hệ thống đèn led, lượng điện năng tiêu thụ đã giảm tới 35% so với trước đó.
Hệ thống chiếu sáng đường Nguyễn Tất Thành được thay bằng đèn led trắng, tiết kiệm được 35% điện năng so với đèn thường.
Với các tòa nhà tiêu thụ nhiều năng lượng, Sở chọn thí điểm 2 dự án, hiện chỉ có dự án EcoLife Riverside (đường Điện Biên Phủ, TP Quy Nhơn, thuộc Tập đoàn Capital House) đang triển khai. Đây là dự án đầu tiên tại TP Quy Nhơn được Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC, thành viên Nhóm Ngân hàng Thế giới - World Bank Group) cấp chứng chỉ Xanh EDGE (Excellence in Design for Greater Efficiencies). Tính toán sơ bộ cho thấy, dự án hoàn thành và vận hành sẽ tiết kiệm năng lượng khoảng 27% so với thiết kế thông thường; giảm khoảng 446 tấn CO2/năm.
Để được cấp Chứng chỉ Xanh, công trình xây dựng phải đạt được hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng, tài nguyên nước, vật liệu, trong cả vòng đời từ giai đoạn lựa chọn địa điểm xây dựng đến vận hành, nâng cấp, tái sử dụng. Thêm vào đó, công trình phải có chất thải ô nhiễm môi trường ít nhất, giảm phát thải khí nhà kính và tạo điều kiện sống tốt nhất cho người sử dụng.
Để tính toán giảm chi phí năng lượng trong quá trình vận hành, nhiều công trình xây dựng (trước khi các quy định sử dụng năng lượng tiết kiệm ban hành), nhiều chủ đầu tư chọn giải pháp lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái.
Ông Đặng Vũ Văn, Trưởng phòng Quản lý xây dựng & Vật liệu xây dựng (Sở Xây dựng), phân tích: Bình Định là một trong số ít các địa phương trong cả nước quan tâm đến vấn đề quản lý năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động xây dựng, cụ thể hóa bằng việc mở các chương trình tập huấn, hội thảo liên quan để DN hoạt động trong lĩnh vực này tham gia. Đến nay, việc dịch chuyển sang thiết kế và xây dựng các công trình theo xu hướng xanh đang thành xu hướng. Tuy lượng công trình thực tế chưa nhiều, nhưng đó thật sự là cả một bước tiến. Tổng chi phí cho một công trình xây dựng theo hướng xanh - thân thiện, sẽ cao hơn thông thường khiến nhiều nhà đầu tư e ngại. Tuy nhiên, về lâu dài nhờ giảm thiểu chi phí năng lượng vận hành hàng năm, lợi nhuận tăng lên rất nhiều. Thực tế cho thấy, hiện nay trong điều kiện có thể, các kiến trúc sư, kỹ sư đã thuyết phục được nhiều chủ đầu tư xây dựng công trình theo hướng xanh, ít nhất là ở những lĩnh vực có thể triển khai ngay như làm mát bằng giải pháp thông gió tự nhiên, sử dụng năng lượng tái tạo. Và những công trình như vậy ở TP Quy Nhơn, đặc biệt là công trình nhà dân đang nhiều lên khá nhanh.
Tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích
Chi phí đầu tư ban đầu là rào cản lớn nhất cho việc triển khai quản lý và vận hành các công trình xây dựng theo hướng tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. Dù vậy, với vai trò cơ quan quản lý nhà nước, Sở Xây dựng tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích người dân, DN đi theo định hướng xanh.
“Khi theo đuổi công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng, chi phí đầu tư ban đầu có thể tăng lên từ 0,4% đến 12,5%. Nhưng sau đó, chi phí vận hành sẽ giảm từ 14 - 36% do tiết kiệm năng lượng. Nhiều dự án tiết kiệm năng lượng, công trình xanh, nhất là chuyên về du lịch, khách sạn luôn được khách hàng quốc tế ưu tiêu chọn lưu trú. Chi phí phát sinh không cao khi so với lợi ích thu được nhưng việc thuyết phục chủ đầu tư đến nay vẫn không hề đơn giản, vì nó liên quan trực tiếp đến lợi ích ngắn hạn của họ”.
Kiến trúc sư Nguyễn Thanh Hải, Công ty tư vấn thiết kế xây dựng DHA, 658 Cách Mạng Tháng Tám, P.11, Q.3, TP Hồ Chí Minh
Theo ông Đặng Vũ Văn, hiện ngành Xây dựng tỉnh chủ yếu khuyến khích các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, tư vấn thiết kế, thi công tích cực đưa ra những phương án tối ưu, tham mưu cho các nhà đầu tư dự án nhìn thấy lợi ích lâu dài, bền vững khi đầu tư cho công trình xanh. Đồng thời chính các nhà thiết kế, tư vấn cũng phải tích cực cập nhật kiến thức, thông tin từ vật liệu đến thiết bị, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong thiết kế, tối ưu hóa và hoàn thiện từ khâu thiết kế để tiết kiệm vật tư, nguyên liệu. Dự kiến trong quý III/2020, Sở Xây dựng sẽ tổ chức hội thảo về vấn đề này, tập trung vào điều kiện thực tế của Bình Định để đưa ra giải pháp tốt nhất.
TP Quy Nhơn đang khuyến khích phát triển các công trình xanh trong định hướng phát triển thành phố mở. Với lợi thế có biển và còn không gian xanh giữa lòng thành phố, cơ hội để có một Quy Nhơn xanh là rất lớn. “Chúng tôi tích cực phối hợp với các tổ chức tài chính Quỹ IFC hỗ trợ tuyên truyền cho dự án liên quan đến việc quản lý sử dụng năng liệu hiệu quả, bền vững trên địa bàn tỉnh. Chúng tôi mong muốn qua những lần hội thảo, các DN quan tâm sẽ tìm kiếm được các gói tín dụng ưu đãi đủ sức hấp dẫn để họ đi theo xu hướng xanh”, ông Văn cho biết.
THU DỊU - HẢI YẾN