Báo in thế giới ngày càng chật vật
Để tồn tại trước sự cạnh tranh khốc liệt của báo điện tử, nhiều báo giấy danh tiếng đã phải cắt giảm nhân sự, bán cho chủ khác, tách riêng khỏi công ty mẹ hoặc chuyển hẳn sang báo mạng.
Ngành công nghiệp báo in đã gặp khó khăn lớn những năm gần đây, do mất nhiều độc giả và đối tác quảng cáo về tay báo điện tử. Theo số liệu của hãng nghiên cứu Statista tuần trước, sau khi đạt đỉnh năm 2000, doanh thu quảng cáo của các tờ báo tại Mỹ đã giảm hơn 70% và xuống đáy 50 năm gần đây. Việc này có thể tiếp tục xấu đi những năm tới, khi các hãng quảng cáo chuyển mục tiêu sang Internet. Ngày nay, thời gian tiếp cận với thông tin qua báo và tạp chí của người Mỹ chỉ chiếm 4,6%, trong khi 20% họ dành cho thiết bị di động.
Dấu hiệu xuống dốc của hàng loạt tờ báo tên tuổi trên thế giới bắt đầu rõ nét từ năm ngoái. Tháng 10/2012, Newsweek – tạp chí kinh tế đình đám của Mỹ tuyên bố ngừng bản in để chuyển hẳn sang bản điện tử với tên gọi Newsweek Global. Để đọc tin tức online, độc giả sẽ phải trả tiền. Những người điều hành cho biết tiếp tục giữ báo in sẽ chỉ khiến họ thua lỗ khoảng 40 triệu USD mỗi năm. Đến tháng 8 năm nay, Newsweek còn bị bán cho chủ mới là hãng truyền thông IBT Media.
Doanh thu quảng cáo sụt giảm cũng khiến các báo phải tìm mọi cách tiết kiệm chi phí, phổ biến nhất là cắt giảm nhân sự. Tháng 12 năm ngoái, New York Times tuyên bố sẽ chia tay 30 biên tập viên kỳ cựu thuộc bộ phận tin tức. Năm 2008, khu vực này cũng đã bị cắt giảm 100 người. Tạp chí chuyên về phong cách sống Condé Nast (Mỹ) năm ngoái cũng đã phải cho nghỉ việc 60 nhân viên. Lý do họ đưa ra là "kinh tế Mỹ quá khắc nghiệt".
Để bảo vệ lợi nhuận, tháng 6 năm nay, đế chế truyền thông News Corp của tỷ phú Rupert Murdoch cũng đã hoàn thành việc tách khu vực xuất bản với bộ máy giải trí đang rất có lãi. Mảng xuất bản của hãng có cả nhật báo đình đám Wall Street Journal, nhưng được định giá chỉ bằng một phần bảy mảng phim - truyền hình.
Đỉnh điểm khó khăn với báo in là hồi tháng 2, RDA Holdings - nhà xuất bản của tạp chí 91 năm tuổi Reader’s Digest (Mỹ) nộp đơn xin bảo hộ phá sản khi phải gánh khoản nợ lên tới 465 triệu USD. Đây đã là lần thứ 2 trong gần 4 năm hãng phải làm việc này.
Năm nay cũng chứng kiến làn sóng mua lại báo chí dồn dập trên thế giới. Đầu tháng 8, tỷ phú Amazone - Jeff Bezos chi 250 triệu USD mua Washington Post. Chỉ vài ngày trước đó, tỷ phú John W. Henry cũng mua Boston Globe với giá 70 triệu USD. Đây chính là dấu hiệu giá trị tài sản ngành xuất bản đang tuột dốc không phanh.
Tập đoàn Tribune cũng đang chật vật tìm người mua đến 10 tờ nhật báo, trong đó có Los Angeles Times, Chicago Tribune và Baltimore Sun. Tuy nhiên, quá trình này khó khăn đến nỗi họ đã phải lên kế hoạch tách mảng xuất bản ra khỏi mảng truyền hình, cáp và kỹ thuật số đang ăn nên làm ra.
Hồi tháng 11, Forbes Media cũng đã thuê Deutsche Bank nghiên cứu khả năng bán công ty, trong đó có Fobes - tạp chí kinh doanh lớn thứ ba tại Mỹ. Doanh thu quảng cáo 9 tháng đầu năm của Forbes đã giảm 7,5% xuống 165,7 triệu USD, theo Hiệp hội Báo chí truyền thông. Số trang quảng cáo trong bản giấy cũng giảm 12,5%.
Tin tức Financial Times (Anh) có thể bị bán cũng được truyền khắp nơi khi công ty mẹ của họ là Pearson cam kết đầu tư nhiều hơn cho mảng giáo dục. Bloomberg, Thomson Reuters và cả News Corp năm ngoái cũng tỏ ý sẵn sàng mua lại tạp chí danh tiếng này.
Một nghiên cứu từ Trường Báo chí – Truyền thông thuộc Đại học Nam California còn cho biết phần lớn báo in tại Mỹ sẽ chỉ tồn tại đến năm 2016. Các tờ có khả năng cao duy trì bản giấy là những tờ cực lớn - New York Times, USA Today, Washington Post, Wall Street Journal và cực nhỏ - tuần báo địa phương.
Khi được hỏi về tương lai của báo giấy, ông chủ mới của Washington Post - Jeff Bezos nhận định sẽ có ngày nó trở thành mặt hàng xa xỉ với người đọc. "Tôi không biết bao nhiêu lâu nữa, có thể là vài chục năm, báo giấy sẽ là điều xa xỉ. Nó giống như việc người ta vẫn có ngựa, nhưng chẳng thường xuyên dùng chúng để đi làm vậy", ông nói.
. Theo Hà Thu (Vnexpress)