Ngân hàng đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bình Ðịnh, việc các tổ chức tín dụng trên địa bàn liên tục đổi mới, tăng cường các sản phẩm dịch vụ tiện ích, kết hợp với linh hoạt trong thủ tục cho vay, tạo điều kiện để nhiều đối tượng khách hàng tiếp cận vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, đã góp phần tích cực vào sự phát triển của tỉnh ta.
Linh hoạt đổi mới hoạt động kinh doanh
Toàn tỉnh hiện có 31 chi nhánh của các tổ chức tín dụng, trong đó có 28 chi nhánh ngân hàng thương mại - kênh huy động và cho vay vốn chủ yếu trên địa bàn tỉnh. Tính đến ngày 30.4.2020, tổng vốn huy động trên địa bàn đạt 66.506 tỷ đồng, tăng 4,4% so với đầu năm; tổng dư nợ cho vay đạt 77.485 tỷ đồng, giảm 0,2% so với đầu năm, nguyên nhân khách quan là ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Ông Nguyễn Trà Dương, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bình Định (NHNN Bình Định), cho biết, năm 2020, ngành Ngân hàng đặt mục tiêu: Tổng vốn huy động, tăng trưởng tín dụng tăng từ 12 - 14% so với cuối năm 2019; nợ xấu được kiểm soát và duy trì dưới 2% trên tổng dư nợ; tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 các quỹ tín dụng nhân dân; tiếp tục đổi mới hoạt động kinh doanh theo hướng linh hoạt, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu của khách hàng.
Ngành ngân hàng Bình Định làm việc với tổ chức ngành nghề liên quan đến công tác hỗ trợ DN bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Trong 4 tháng đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, các ngân hàng vừa đảm bảo nhiệm vụ chuyên môn theo đúng quy định, vừa thực hiện các giải pháp cấp bách hỗ trợ người dân, DN chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. So với nhiều tỉnh thành có quy mô, điều kiện tương tự, ngành ngân hàng Bình Định được đánh giá là đã chủ động rà soát, tích cực làm việc với các hiệp hội ngành nghề, hỗ trợ DN gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19.
Tại một phiên làm việc với ngành ngân hàng Bình Định cách đây ít lâu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Cao Thắng đánh giá, bức tranh sáng của nền kinh tế tỉnh trong mấy năm gần đây có đóng góp công sức không nhỏ của ngành ngân hàng Bình Định. Đánh giá cao khả năng điều hành linh hoạt, uyển chuyển, ứng biến kịp thời của NHNN Bình Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Cao Thắng kỳ vọng năm 2020, ngành ngân hàng tiếp tục nâng cao năng lực nghiệp vụ chuyên môn, mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trên địa bàn, có thêm nhiều dấu ấn mới trong sự phát triển chung của tỉnh Bình Định.
Tích cực góp phần khắc phục hậu quả dịch Covid-19
Ngay lúc dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, từ sự chỉ đạo liên tục, sâu sát, phù hợp với tình hình cụ thể địa phương của NHNN Bình Định, các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã mau chóng vào cuộc, triển khai kịp thời nhiều chính sách hỗ trợ DN, người dân theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam, từ hội sở và đặc biệt là từ các đề nghị của chính quyền tỉnh Bình Định.
Từ ngày 1.2, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bình Định (Vietinbank Bình Định) đã giảm 0,2% lãi suất toàn bộ dư nợ của 65 khách hàng DN và 270 khách hàng cá nhân bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19. Tính từ ngày 1.2 đến 30.4.2020, tổng dư nợ cho vay khách hàng cá nhân đạt 375 tỷ đồng, lãi suất giảm 0,6%; tổng dư nợ cho vay khách hàng DN là 425 tỷ đồng, lãi suất giảm 0,6 - 1% so với thông thường. Riêng khách hàng DN thuộc nhóm DN vừa và nhỏ (SME) được ưu tiên giảm lãi suất đến 2,5%.
Ông Đặng Kiều Hưng, Giám đốc Vietinbank Bình Định, cho biết: “Hỗ trợ khách hàng trong khó khăn vừa là đạo lý kinh doanh, vừa là cách mà chúng tôi đồng hành, chia sẻ, giữ chân khách hàng. Giai đoạn này, hầu hết các DN đều gặp khó khăn về tài chính, vượt qua được thời điểm đầy trở ngại này, DN sẽ phát triển tốt hơn. DN vận hành tốt thì ngân hàng có khách hàng tiềm năng, góp phần ổn định kinh tế, an sinh xã hội. Với riêng Vietinbank Bình Định, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tập trung chăm sóc nhóm khách hàng SME - vốn chiếm tới 80% số lượng khách hàng DN của đơn vị. Chúng tôi đặc biệt quan tâm tới SME, triển khai các gói vay ưu đãi, tăng cường tiềm lực tài chính cho nhóm DN này.
Trong khi đó, Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bình Định (Agribank Bình Định) dẫn đầu trong lĩnh vực cấp vốn cho “tam nông”. Theo đánh giá chung của NHNN Bình Định, Agribank Bình Định là một trong những ngân hàng cho vay tiêu dùng với lãi suất ưu đãi, linh hoạt, đặc biệt là vay tiêu dùng khu vực nông thôn. Bằng việc đẩy mạnh các giải pháp gia tăng khả năng tiếp cận vốn, doanh số vay tiêu dùng của Agribank Bình Định ở địa phương tăng cao, tạo điều kiện cho người dân khu vực nông thôn tiếp cận các dịch vụ, sản phẩm tín dụng chính thống.
Ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Agribank Bình Định, cho biết, chúng tôi tiếp tục triển khai thế mạnh của đơn vị đó là tín dụng “tam nông”. Đến nay, Agribank Bình Định cho vay mới 34 khách hàng, tổng dư nợ 89 tỷ đồng; cơ cấu lại nợ, giảm lãi vay cho 35 khách hàng khác với tổng dư nợ hơn 68 tỷ đồng, đây là những DN chịu tác động của dịch bệnh Covid-19. Chúng tôi mong muốn khơi thông tín dụng ưu đãi lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao của địa phương. Thời gian qua, cán bộ tín dụng của Agribank đã tiếp cận, thông qua kênh của hội, đoàn thể, tìm khách hàng cho gói vay này, sắp tới đây chúng tôi sẽ còn đẩy mạnh hơn nữa.
THU DỊU