Đề nghị tử hình Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc
Ngày 13.12, tại phiên tòa xét xử vụ tham nhũng ở Vinalines, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đề nghị án tử hình đối với hai bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc.
Theo đại diện Viện kiểm sát, tại tòa các bị cáo không nhận trách nhiệm, nhưng hành vi sai phạm của các bị cáo đã được xác định rõ. Việc một số bị cáo cho rằng mình không sai phạm, kêu oan là không có căn cứ.
Không biết ụ nổi gây thất thoát bao nhiêu
Cáo trạng xác định tính đến tháng 5.2012, hành vi phạm tội của các bị cáo gây thất thoát cho Nhà nước hơn 366 tỉ đồng. Tuy nhiên tại tòa, đại diện Tổng công ty Vinalines (có mặt với tư cách là nguyên đơn dân sự) lại không biết đến nay số tiền thất thoát là bao nhiêu. Vị này cho biết ụ nổi 83M hiện đang được đặt ở cảng Gò Dầu (Đồng Nai).
Mỗi tháng tổng công ty đều tốn tiền thuê địa điểm neo đậu, chi phí thuê người trông coi, bảo vệ ụ nổi. Phương án sửa chữa ụ nổi không còn khả thi nên Vinalines đang tính đến chuyện thanh lý ụ nổi. Tòa hỏi đi hỏi lại rất nhiều lần hằng tháng chi phí cho ụ nổi hết bao nhiêu nhưng đại diện Vinalines trả lời không nhớ được con số chính xác.
Trong hai ngày xét xử, đa số bị cáo và đại diện các bộ ngành liên quan khi được xét hỏi đều nói... làm đúng. Không ai nhận trách nhiệm của mình trong việc làm Nhà nước thất thoát hàng trăm tỉ đồng. Bị cáo Mai Văn Phúc cho rằng mình bị khởi tố tội cố ý làm trái là sai.
Trả lời câu hỏi của luật sư về việc đóng mới ụ nổi thì cần bao nhiêu tiền, bị cáo Phúc cho biết: “Nếu quy mô tương tự ụ nổi 83M thì giá trị phải gấp sáu lần và thời gian phải hàng năm trở lên”. Bị cáo Phúc cho rằng mua ụ nổi cũ là giải pháp của người nghèo ít tiền.
Bị cáo Trần Hải Sơn tiếp tục khai thời điểm giao tiền cho các bị cáo khác, khẳng định việc chia tiền “lại quả” đều thực hiện theo chỉ đạo của Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc. Có mặt tại tòa với tư cách là người làm chứng và người liên quan, hai em gái của bị cáo Sơn là Trần Thị Hải Huyền và Trần Thị Hải Hà cho biết nhiều lần được Sơn nhờ rút tiền để chuyển cho Dũng và Phúc. Tuy nhiên, bị cáo Dũng và Phúc đều bác bỏ ý kiến này.
Các bộ đùn đẩy trách nhiệm
Trả lời tòa, đại diện Bộ Tài chính cho biết Bộ Tài chính có nhiệm vụ kiểm tra giám sát hoạt động tài chính của Vinalines về ngân sách, chi tiêu. Tuy nhiên, khi tòa hỏi Bộ Tài chính có kiểm tra, thanh tra hoạt động của Vinalines không, có phát hiện sai phạm không thì đại diện Bộ Tài chính cho biết không nắm được gì, không phát hiện gì và cũng không nhận được báo cáo.
Trong khi đó, đại diện Bộ Giao thông vận tải thừa nhận bộ có trách nhiệm quản lý Vinalines theo chuyên ngành chứ không có thẩm quyền giám sát trực tiếp. Việc giám sát trực tiếp phải theo luật định, cụ thể thuộc thẩm quyền của Thanh tra Chính phủ.
Theo đại diện Bộ Giao thông vận tải, với tàu biển thì dự án dưới 1.000 tỉ đồng thuộc thẩm quyền của hội đồng quản trị công ty, dự án ụ nổi dưới 500 tỉ đồng và sử dụng vốn ngoài ngân sách nên chủ đầu tư tự quyết định chứ không phải xin ý kiến.
Tòa hỏi: “Ông căn cứ vào đâu mà nói dự án không sử dụng ngân sách?”. “Đây là vốn vay”. Tòa tiếp tục hỏi: “Vay sau này có phải dùng tiền nhà nước để trả hay không?”. Đáp lại tòa, đại diện Bộ Giao thông vận tải chỉ thừa nhận Vinalines chưa làm đúng thủ tục.
Chỉ là lỗi cần rút kinh nghiệm?
Bào chữa cho bị cáo Dương Chí Dũng, luật sư Trần Đình Triển cho rằng vụ án vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. “Khi chưa có kết quả tương trợ tư pháp từ Công ty AP mà lại kết tội các bị cáo, nếu sau này Công ty AP cho biết 1,666 triệu USD không phải là tiền “lại quả” thì sao?” - luật sư Triển đặt vấn đề.
Theo ông Triển, cáo trạng cố tình nói ụ nổi là tàu để dựa vào số độ tuổi không được nhập khẩu là sai: “Một thực trạng chúng ta nghèo nên phải mua ụ cũ cho rẻ, cái đó là lỗi cần rút kinh nghiệm. Không có thông tin nên phải mua qua môi giới thì cần rút kinh nghiệm, chứ việc nhập khẩu không sai. Ụ 83M là vốn vay huy động chứ không phải vốn ngân sách. Vay thì phải trả, nếu tranh chấp nhau thì chỉ xảy ra giữa Citibank với Vinalines chứ không lôi Nhà nước vào đây. Vì vậy đây không phải là tội cố ý làm trái mà là thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ông Triển đề nghị tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung các vấn đề chưa được làm rõ.
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp bảo vệ cho Mai Văn Phúc cho rằng bị cáo Phúc chỉ có trách nhiệm trong việc thiếu sự kiểm tra đôn đốc việc mua ụ nổi chứ không cố ý làm thiếu trách nhiệm gây hậu quả.
8g sáng 14.12, phiên tòa tiếp tục làm việc với phần tranh luận. Dương Chí Dũng vẫn phủ nhận việc nhận tiền và đề nghị HĐXX có chứng cứ chứng minh bị cáo thảo luận với công ty AP. Dương Chí Dũng cũng xin được đối chất với giám đốc công ty AP.
Viện kiểm sát đề nghị mức án đối với các bị cáo
1. Dương Chí Dũng: tử hình về tội tham ô tài sản, 20 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp hình phạt cho hai tội là tử hình.
2. Mai Văn Phúc (nguyên tổng giám đốc Vinalines, nguyên phó vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT): tử hình về tội tham ô tài sản, 20 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp hình phạt cho hai tội là tử hình.
3. Trần Hải Sơn (nguyên tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines): từ 28-30 năm tù cho hai tội tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng,
4. Trần Hữu Chiều (nguyên phó tổng giám đốc Vinalines): từ 22-24 năm tù cho hai tội tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
5. Mai Văn Khang (nguyên phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin thuộc Vinalines): 8-10 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
6. Bùi Thị Bích Loan (nguyên kế toán trưởng Vinalines): 6-8 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
7. Lê Văn Dương (đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm số 6, Cục Đăng kiểm VN): 6-8 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
8. Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng, Lê Ngọc Triện (nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa): 6-8 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Về phần dân sự, viện kiểm sát đề nghị tòa tuyên bị cáo Dũng, Phúc, Sơn và Chiều phải bồi thường cho Nhà nước hơn 28 tỉ đồng tiền đã tham ô. Ngoài ra, 10 bị cáo phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường cho Nhà nước 338 tỉ đồng thiệt hại do hành vi mà các bị cáo gây ra.
. Theo TÂM LỤA (TTO)