CÔNG TÁC QUẢN LÝ TÀU CÁ:
Kiểm soát chặt chẽ qua hệ thống giám sát hành trình
Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, ngành chức năng của tỉnh, chính quyền các địa phương ven biển triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác quản lý tàu cá qua cơ sở dữ liệu hệ thống giám sát tàu cá, nhằm góp phần ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật.
Theo Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), đến thời điểm này, toàn tỉnh có 3.083/3.162 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên đang hoạt động khai thác thủy sản (KTTS) đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT); chỉ còn 77 tàu chưa lắp đặt thiết bị GSHT và ngành Thủy sản đã thu hồi giấy phép KTTS các trường hợp này.
Cán bộ kỹ thuật Đài Thông tin Duyên hải Quy Nhơn theo dõi tàu cá qua phần mềm dữ liệu giám sát hành trình để hỗ trợ ngư dân các sự cố liên quan thiết bị giám sát hành trình khi tàu đang hoạt động trên biển.
Quản lý chặt chẽ
Nhằm tăng hiệu quả công tác chống KTTS bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU), Sở NN&PTNT đã phân quyền theo dõi, giám sát tàu cá qua cơ sở dữ liệu của hệ thống GSHT tàu cá của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho các cơ quan liên quan, UBND các huyện, thành phố ven biển. Đáng chú ý, trước khi tàu xuất bến, ngành chức năng không chỉ kiểm tra các thủ tục, giấy tờ theo quy định mà còn kiểm tra niêm phong, kẹp chì, tình trạng hoạt động của thiết bị GSHT. Với sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng tỉnh, ngư dân đã tự nâng cao nhận thức, nghiêm túc chấp hành các quy định.
Nhưng gần đây nhiều tàu cá đang KTTS gặp sự cố về thiết bị GSHT, thuyền trưởng phải liên hệ với đơn vị cung cấp, lắp đặt thiết bị để hướng dẫn khắc phục. Ngư dân Võ Cường, ở xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn), chủ tàu cá BĐ 96105 - TS, cho hay: “Chiều 22.5, tôi theo dõi hoạt động tàu cá của mình bằng phần mềm kết nối thiết bị GSHT trong điện thoại di động và phát hiện tín hiệu GSHT chập chờn, tôi liền báo ngay cho đơn vị cung cấp thiết bị là Đài Thông tin Duyên hải Quy Nhơn (Công ty TNHH MTV Thông tin Điện tử Hàng hải Việt Nam - VISHIPEL) để hỗ trợ xử lý. Sau khi được hướng dẫn, thuyền trưởng tàu tôi đã khắc phục được sự cố thiết bị GSHT ngay trong ngày và tiếp tục bám biển”.
Vậy nhưng không phải tàu nào cũng may mắn như thế. Tàu cá BĐ 93480 - TS do ông Ngô Đức Lai, ở xã Cát Tiến, huyện Phù Cát làm thuyền trưởng, xuất bến tại cảng cá Quy Nhơn vào ngày 6.5, nhưng vừa ra tới vùng lộng thì thiết bị GSHT bị mất nguồn, ông Lai buộc phải đưa tàu quay vào bờ, báo cáo ngành chức năng. Ông Lai, bộc bạch: “Do không thể khắc phục được sự cố, tôi phải quay vào cảng để ngành chức năng kiểm tra, yêu cầu đơn vị lắp đặt thiết bị đến sửa chữa. Khắc phục xong sự cố, ngành chức năng nhanh chóng làm thủ tục để tàu tôi ra khơi trở lại. Chỉ một sự cố đơn giản như thế nhưng gây tốn kém, nhiêu khê vô cùng, nhưng mình phải chấp hành nghiêm các quy định, nếu không sẽ bị xử phạt rất nặng!”.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Hiếu, Giám đốc Đài Thông tin Duyên hải Quy Nhơn, có rất nhiều nguyên nhân liên quan đến sự cố thiết bị GSHT trên tàu cá, như: Nguồn điện cung cấp, đứt dây kết nối, mất tín hiệu kết nối, tín hiệu chập chờn không đảm bảo nhắn đủ tin… Các sự cố này được cán bộ của đơn vị trực phát hiện, kịp thời liên lạc qua bộ đàm để hướng dẫn ngư dân khắc phục ngay trên biển, đảm bảo thiết bị GSHT kết nối thông suốt. Chúng tôi sẽ nỗ lực để hạn chế tối đa các sự cố, giảm bớt khó khăn để ngư dân yên tâm.
Ngành chức năng tỉnh kiểm tra tàu cá trước khi xuất bến tại cảng cá Quy Nhơn.
Kiểm soát nghiêm ngặt
UBND tỉnh đã ra quyết định ban hành quy chế quản lý, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu của hệ thống giám sát hành trình tàu cá trong tỉnh (có hiệu lực từ ngày 1.6.2020) để các đơn vị quản lý, tổ chức, cá nhân được tạo kết nối nhận thông tin. Căn cứ quy chế này, ngành Thủy sản tỉnh tham mưu Sở NN&PTNT ban hành quy trình xử lý tàu cá mất kết nối thiết bị GSHT, tàu cá hoạt động ngoài vùng tự do đánh bắt bị cảnh báo để làm căn cứ phối hợp các ngành liên quan xử lý.
Về vấn đề này, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nguyễn Công Bình, phân tích: “Chi cục làm đầu mối theo dõi, giám sát tàu cá qua cơ sở dữ liệu, khi phát hiện tàu cá vượt ranh giới ra ngoài vùng biển Việt Nam theo bản đồ trên thiết bị GSHT, chúng tôi sẽ báo cáo với các ngành chức năng liên quan, chính quyền các địa phương liên hệ tàu quay trở lại vùng biển Việt Nam. Những trường hợp bị cảnh báo này, khi tàu về bờ, ngành chức năng sẽ xác minh, củng cố chứng cứ nếu phát hiện vi phạm sẽ bị xử phạt. Với trường hợp tàu cá mất tín hiệu kết nối, chúng tôi liên lạc với chủ tàu, thuyền trưởng yêu cầu khắc phục sớm và sử dụng thiết bị thông tin liên lạc trên tàu cá báo cáo hành trình tàu theo tần suất 6 giờ/lần. Nhưng trong thời hạn 10 ngày, nếu tàu cá đó chưa khắc phục được sự cố về thiết bị GSHT thì buộc phải quay về bờ. Nếu không chấp hành, cố tình vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật”.
Dù vậy, vấn đề xử lý tàu cá bị cảnh báo vi phạm vùng biển nước ngoài qua thiết bị GSHT, tàu cá mất kết nối thiết bị GSHT vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ở một số thời điểm, ngư dân phản ảnh tàu đang ở trong vùng biển Việt Nam nhưng thiết bị GSHT cảnh báo vượt ranh giới và bị ngành chức năng lưu ý. Ghi nhận ý kiến của ngư dân, tại cuộc họp Ban chỉ đạo IUU của tỉnh vào ngày 17.4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu đã chỉ đạo Sở NN&PTNT, các ngành liên quan phải có giải pháp phù hợp để kiểm soát, xử lý sớm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu, nhấn mạnh: “Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh để có văn bản gửi Bộ NN&PTNT, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao hướng dẫn tính pháp lý của bản đồ điện tử đang cài đặt trong hệ thống phần mềm giám sát tàu cá của Tổng cục Thủy sản để làm cơ sở xử lý tàu cá bị cảnh báo khi vượt qua lằn ranh trên bản đồ của hệ thống GSHT, nhằm đảm bảo lợi ích của ngư dân, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi”.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN