Cây quýt đường trên chân đất Bình Ðịnh
Những năm gần đây, nhiều nhà vườn ở huyện Tây Sơn, TX An Nhơn đã chọn trồng cây quýt đường trên chân đất vốn vẫn thường được bố trí để trồng mía, mì, sả… Thành công ban đầu động viên nhiều người học tập, làm theo và cả một số chân đất vốn chỉ để trồng bạch đàn, keo lai cũng được chuyển sang trồng quýt.
Cây quýt đường sinh trưởng tốt trên cả những chân đất đồi lẫn sỏi, đá và thích nghi với thời tiết ở địa phương là điều khiến rất nhiều người phấn khởi. Giống quýt đường mà nông dân Bình Định chọn trồng phần lớn có xuất xứ từ hai vùng quýt nổi tiếng ở Nam bộ - Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) và Giồng Trôm (tỉnh Bến Tre).
Ông Nguyễn Thành Hay đang hướng dẫn người làm về cách chăm sóc vườn quýt đường. Ảnh: N.Đ.P
Quýt đường miền Nam bén rễ đất Tây Sơn
Khi về Bình Định quýt đường cho vị ngọt thanh, mọng nước và ít hạt. Cây quýt đường cho phép thu hoạch 2 vụ/năm, một vụ vào tháng 4 và một vụ tháng 10. Chỉ sau 1 - 2 vụ quýt, đến nay thương lái đã vào đến tận vườn mua gom quýt, các thị trường tiêu thụ chính gồm các tỉnh Tây Nguyên và phía Bắc Trung bộ.
Giống quýt đường mà nông dân Bình Ðịnh chọn trồng phần lớn có xuất xứ từ hai vùng quýt nổi tiếng ở Nam bộ - Lai Vung (tỉnh Ðồng Tháp) và Giồng Trôm (tỉnh Bến Tre).
Vừa nghe tôi hỏi chuyện, ông Hàng Văn Sinh, thôn Đồng Sim, xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn hồ hởi dắt tôi ra tận vườn quýt của gia đình, phóng tay chỉ: “Sau khi trồng thử nghiệm thành công, tôi chuyển đổi luôn một lúc 10 sào đất đang trồng sả có thu hoạch khá sang trồng quýt đường. Đến nay, vườn quýt nhà tôi đã cho thu hoạch rộ lứa đầu tiên. Với 300 gốc quýt đường tươi tốt gia đình tôi có nguồn thu nhập khá. Nhà tôi nằm ngay bên tuyến đường bê tông, nếu có vốn đầu tư, tôi còn có thể biến vườn quýt của mình thành một điểm tham quan du lịch!”.
Trên đường đi tìm hiểu chuyện cây quýt trên đất Tây Sơn, tôi nghe niềm vui từ giống cây ăn trái tỏa lan trên nhiều xóm làng như hương quýt ngọt dịu. Từ thành công với cây quýt đường, Hội Nông dân huyện Tây Sơn đang khuyến khích và hỗ trợ người dân chuyển đổi những khu vườn tạp, những vùng đồi có độ dốc thấp sang trồng cây ăn trái, đặc biệt là nhóm cây có múi như - quýt đường, cam sành, bưởi da xanh...
Anh Nguyễn Trường Hoàn, 33 tuổi, ở thôn Đồng Sim, xã Tây Xuân là một trong những chủ vườn được Hội Nông dân huyện Tây Sơn cho vay vốn với lãi suất ưu đãi từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân để thực hiện Dự án Trồng cây quýt đường thương phẩm, quy mô hơn 700 gốc quýt, trên diện tích 1,5 ha trước kia vốn là đất trồng mía. Anh Hoàn cho hay: Tháng 4 vừa rồi, tôi thu hoạch được 6 tấn quýt, chỉ tính xổi cũng đã tốt hơn trồng mía. Sắp tới, nếu vay thêm được vốn tôi sẽ đầu tư thâm canh và trồng thêm 1 ha quýt nữa.
Hy vọng thành sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu
Tương tự như ở Tây Sơn, cây quýt đường cũng chinh phục được nhiều nông dân ở TX An Nhơn, đặc biệt ở xã Nhơn Thọ. Ông Phan Hữu Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Thọ, cho biết: “Hiện riêng ở thôn Thọ Lộc 2, có hai mô hình trồng quýt đường lớn, tổng diện tích hơn 20 ha. Quy mô nhỏ thì chưa tính hết, hiện nhiều hộ dân đã chuyển đổi những diện tích đất canh tác hiệu quả thấp sang trồng quýt. Tôi hy vọng cây quýt đường sẽ sớm trở thành sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh Bình Định”.
Ông Nguyễn Thành Hay ở thôn Thọ Lộc 2, xã Nhơn Thọ là người trồng quýt đường đầu tiên và lớn nhất ở An Nhơn, với tổng diện tích vườn quýt lên đến 15 ha, trong đó 9 ha quýt được 5 năm tuổi và 6 ha quýt mới trồng được 4 tháng tuổi. Đưa tôi đi thăm vườn quýt đường bạt ngàn của mình, ông Hay hân hoan kể: “Tôi có duyên với cây quýt đường! Cách đây mấy năm, trong một lần vào Đồng Tháp, thấy mô hình trồng quýt đường của nhà vườn trong đó đạt hiệu quả kinh tế cao quá, tôi ngỏ ý học hỏi để về trồng. Mình thăm dò vậy thôi nhưng bà con họ nhiệt tình lắm. Chỉ bày rất cặn kẽ, kể cả cách thức thâm canh, lại còn sẵn sàng cung cấp giống tận nơi. Khi tôi mới đem giống quýt đường về trồng, thì nhiều người can ngăn và cho rằng cây quýt sẽ không sinh trưởng tốt trên đất Thọ Lộc, mà nếu có cho ra quả thì quả sẽ không được ngọt. Nhưng thực tế cho thấy cây quýt đường rất hợp với chân đất Nhơn Thọ”.
Phấn khởi quá ông Hay mạnh dạn trồng luôn một lần cả héc ta quýt. Sau vụ thu hoạch sơ bộ, thấy cây quýt bắt rễ nhanh quá, ông Hay dồn vốn đầu tư mở rộng diện tích quýt. Đến nỗi vườn keo lai mới 2 năm tuổi, ông cũng gọi người tới bán sớm để lấy đất trồng quýt. Với 9 ha quýt, vụ tháng 4 vừa rồi, ông Hay thu hoạch hơn 80 tấn trái, thu về hơn 700 triệu đồng. Vườn quýt của ông Hay được một số bà con địa phương gọi vui là “công ty quýt ông Hay” bởi hiện nay ông Hay đang thuê mướn 5 lao động làm việc thường xuyên, đến vụ thu hoạch, riêng lao động hái quýt đã lên đến 20 người.
Được biết, ông Nguyễn Thành Hay rất nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật làm vườn cho bất cứ ai muốn. Thậm chí ông còn xây dựng mô hình “Nông dân giúp nhau lập nghiệp”, liên hệ đặt mua cây giống quýt đường, mít Thái để mọi người hăng hái phát triển nghề làm vườn.
NGUYỄN ĐÌNH PHƯƠNG