Dự thảo Luật Giao thông đường bộ: Bổ sung, điều chỉnh để phù hợp
Thắt dây an toàn tại những vị trí có trang bị dây an toàn, không dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường, bổ sung bằng lái hạng A0... là những điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ đang lấy ý kiến lần này.
Tình trạng học sinh đến trường bằng xe đạp điện, xe gắn máy, mô tô ngày càng phổ biến. Do đó, đề xuất bổ sung quy định cấp giấy phép lái xe cho người điều khiển xe máy có dung tích xilanh dưới 50cm3 hoặc phương tiện có công suất động cơ điện không vượt quá 4 kW là phù hợp thực tế.
Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) được Bộ GTVT sửa đổi trên cơ sở kế thừa và hoàn thiện phạm vi điều chỉnh của Luật GTĐB năm 2008. Dự thảo Luật GTĐB sửa đổi sẽ có nhiều điều chỉnh, thay đổi phù hợp hơn với thực tế, trong đó quy định rõ những quy tắc mà người tham gia giao thông phải chấp hành để đảm bảo an toàn khi lưu thông. Theo Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Nguyễn Văn Chiến, thực tế các vụ TNGT xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua cho thấy, nguyên nhân từ ý thức chủ quan của người tham gia giao thông không ít. Dự thảo Luật GTĐB sửa đổi quy định rõ hơn, việc dùng tay sử dụng điện thoại di động khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông là một trong những hành vi bị cấm. Trong khi đó, Luật cũ chỉ quy định, người điều khiển xe mô tô 2 - 3 bánh, xe gắn máy không được sử dụng điện thoại di động mà không quy định đối với người điều khiển ô tô. Tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTĐB và đường sắt cũng đã có chế tài xử phạt đối với hành vi dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển ô tô chạy trên đường là từ 1 - 2 triệu đồng (trước đây chỉ phạt từ 600 - 800 nghìn đồng); mức phạt vi phạm này ở người điều khiển xe máy là 600 nghìn đồng đến 1 triệu đồng, gấp 5 lần so với trước đây. Đồng thời, người vi phạm còn bị tước giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng. “Nguyên nhân dẫn đến TNGT do yếu tố chủ quan của người tham gia giao thông chiếm trên 90% số vụ với các lỗi vi phạm chính là: Thiếu chú ý quan sát, đi không đúng làn đường, phần đường, không làm chủ tốc độ, không giữ khoảng cách an toàn... trong đó, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sử dụng điện thoại chiếm không ít và hành vi này đã gián tiếp dẫn đến TNGT”, ông Chiến cho biết.
Ngoài ra, một thay đổi trong dự thảo luật lần này là việc Bộ GTVT đề xuất bổ sung quy định cấp giấy phép lái xe cho người điều khiển xe máy có dung tích xilanh dưới 50 cm3 hoặc phương tiện có công suất động cơ điện không vượt quá 4 kW. Theo đó, người điều khiển phải đủ 16 tuổi và phải được cấp bằng lái xe hạng A0. Quy định này chủ yếu hướng đến đối tượng học sinh. Qua tham khảo số liệu của ngành chức năng, trong số các đối tượng tham gia giao thông không chấp hành các quy định về ATGT thì học sinh chiếm khoảng 40%. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm đối với các em chủ yếu là nhắc nhở, giáo dục và chỉ xử phạt đối với những trường hợp cố ý vi phạm nhiều lần, hoặc chống đối lực lượng làm nhiệm vụ. Vì vậy, quy định mới sẽ góp phần kiểm soát tình trạng người điều khiển xe máy, xe đạp điện tràn lan, nhất là học sinh, nhằm ngăn ngừa các vụ TNGT có thể xảy ra. Cũng theo thống kê chưa đầy đủ, trong số các trường hợp bị cơ quan chức năng mời lên làm việc vì vi phạm các quy định về trật tự ATGT, có khoảng 20% số trường hợp bị xử phạt do giao phương tiện cho người chưa đủ điều kiện điều khiển. Anh Nguyễn Tuấn Trình (TP Quy Nhơn) bị cơ quan chức năng mời lên làm việc vì lỗi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển, trần tình: “Vẫn biết việc giao xe máy cho con đi lại là sai, nhưng giờ cháu đi học nhiều, chúng tôi không có thời gian đưa đón. Nếu quy định người dưới 16 tuổi điều khiển phương tiện có dung tích xilanh dưới 50 cm3 phải có bằng lái xe A0, tôi đồng tình và sẽ cho con đi học và thi để vừa đủ điều kiện điều khiển phương tiện vừa được bổ sung kiến thức về giao thông an toàn”.
Bên cạnh đó, dự thảo luật quy định người điều khiển và người được chở trên ô tô phải thắt dây an toàn tại những chỗ có trang bị dây an toàn khi tham gia giao thông trên đường bộ, thay vì chỉ yêu cầu người lái xe và người ngồi hàng ghế phía trước thắt dây an toàn như quy định tại khoản 2, Điều 9, Luật GTĐB năm 2008. Những quy định riêng về đường cao tốc; phân loại lại loại hình phương tiện, đảm bảo sự hài hòa giữa taxi truyền thống/taxi công nghệ, xe tuyến cố định/xe hợp đồng limousine… Quy định phạt từ lái xe đến nơi bốc xếp hàng hóa, chủ hàng đối với xe chở quá tải cũng sẽ được “luật hóa” để hoạt động kinh doanh vận tải trên đường bộ trật tự, an toàn hơn.
Được biết, dự thảo Luật GTĐB đã nâng lên 150 điều thay vì 98 điều như trước đây. Hy vọng những nội dung được quy định của Luật sẽ góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khi điều khiển phương tiện giao thông của người đi đường, góp phần giảm vi phạm, tai nạn và ùn tắc giao thông.
K.ANH