Trên quê hương Tây Sơn tam kiệt
Từ TP Quy Nhơn lên huyện Tây Sơn không quá xa. Nơi đây lại có rất nhiều điểm đến hấp dẫn. Nếu bạn quan tâm đến lịch sử mà lại không có nhiều thời gian thì Tây Sơn chính là nơi đáp ứng đủ các nhu cầu của bạn.
Đền thờ song thân Tây Sơn tam kiệt.
Cách Bảo tàng Quang Trung (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) khoảng 3 km là di tích lịch sử quốc gia Gò Lăng (thôn Phú Lạc, xã Bình Thành) - quê mẹ của ba anh em nhà Tây Sơn. Cách đây 4 năm, tại Gò Lăng, tỉnh Bình Định đã xây dựng Đền thờ song thân Tây Sơn tam kiệt trên khu đất có diện tích gần 5.000 m2, nơi tương truyền ngày xưa có nhà và vườn của gia đình ông bà Hồ Phi Phúc - Nguyễn Thị Đồng (thân sinh và thân mẫu của Nguyễn Nhạc - Nguyễn Huệ - Nguyễn Lữ).
Từ TP Quy Nhơn đi theo QL 19 mới và QL 19 khoảng 40 km là đến thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, rồi từ đây đi đến 3 điểm di tích với tổng quãng đường chưa đến 15 km. Trong mùa hè nắng nóng, bạn nên đi từ đầu giờ sáng với điểm đến đầu tiên là Khu tưởng niệm Nguyễn Sinh Sắc, rồi quay trở lại tham quan Lăng Mai Xuân Thưởng, ghé đập dâng Văn Phong và ăn trưa tại các quán khu vực xã Bình Tường (có thể chọn quán cơm cá đồng Ngọc Hiệp đối diện sông Côn, điện thoại liên hệ 0374925109), sau đó theo tuyến đường từ đập dâng Văn Phong xuống di tích Gò Lăng (5,4 km).
Đến Đền thờ, ấn tượng đầu tiên là cổng tam quan được xây dựng đẹp, không gian bên trong có nhiều cây xanh, các công trình điện thờ, nhà bia di tích… vừa trang nghiêm vừa có sự gần gũi như ở một ngôi nhà vườn nơi làng quê yên bình. Sau khi vào điện thờ dâng hương tưởng nhớ song thân Tây Sơn tam kiệt, bạn nên đi dạo một vòng dưới bóng cây rợp mát, nghe chim hót líu lo và cảm nhận cảnh sắc bình yên.
Tên “Mai Xuân Thưởng” đã được đặt cho nhiều con đường, trường học khắp trong Nam ngoài Bắc. Sự nghiệp của Mai Nguyên soái được nhiều người biết, nhưng có lẽ ít người biết rằng ông sinh ra trên quê ngoại của Tây Sơn Tam kiệt - Phú Lạc, xã Bình Thành. Từ Gò Lăng đi khoảng 7 km là đến di tích lịch sử quốc gia Lăng Mai Xuân Thưởng (thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường), nơi nhà yêu nước - lãnh tụ phong trào Cần Vương chống Pháp ở Bình Định cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX yên nghỉ. Lăng có hai khu vực gắn kết hòa giữa cũ và mới, gồm khu lăng mộ xây dựng từ năm 1961 và khu Đền thờ được hoàn thành năm 2017. Khuôn viên lăng rộng rãi, có một số cây xoài và cây mít cổ thụ, phía dưới bóng cây có đặt nhiều ghế đá của Trường THCS Mai Xuân Thưởng (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) trao tặng, để khách ngồi nghỉ mát và ngắm cảnh.
Khu tưởng niệm Nguyễn Sinh Sắc tại di tích huyện đường Bình Khê.
Từ Lăng Mai Xuân Thưởng đi hơn 4 km dọc theo bờ sông Côn là đến Khu tưởng niệm Nguyễn Sinh Sắc trong khuôn viên di tích lịch sử quốc gia huyện đường Bình Khê (xã Tây Giang). Đây là nơi cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc từng trị nhậm và người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành nhiều lần đến thăm cha. Tham quan di tích này, bạn đừng quên ghé nhà trưng bày, ngắm các hình ảnh, tài liệu, hiện vật với hai chủ đề: Nguyễn Sinh Sắc - cuộc đời và sự nghiệp; Nguyễn Tất Thành ở Bình Định. Trên đường về, đi dọc sông Côn, bạn sẽ thêm cảm xúc hơn khi trước đó đã nghe câu chuyện kể về Bác Hồ dù xa vùng đất Bình Khê hơn 40 năm, khi gặp các đại biểu huyện Bình Khê ra miền Bắc đầu mùa xuân năm 1955, Người vẫn quan tâm hỏi: “Nhà các cô, các chú có gần sông Côn không? Nước sông Côn vẫn trong đấy chứ?...” (Quê hương người áo vải, Mai Khắc Ứng).
Lăng Mai Xuân Thưởng.
Một hành trình - 3 quần thể di tích không phải là ít, nhưng nếu bạn còn thời gian vẫn có thể kết hợp ghé tham quan đập dâng Văn Phong (xã Bình Tường, cách Lăng Mai Xuân Thưởng chưa đến 1 km). Đây là công trình thủy lợi có thiết kế được đánh giá rất cao về mặt mỹ thuật, năm 2015 được Bộ NN&PNT trao tặng giải thưởng “Bông lúa vàng Việt Nam” và Bộ Xây dựng trao giải thưởng “Công trình chất lượng cao”. Mách nhỏ với bạn là quanh đây có kha khá quán ăn bình dân nhưng thực đơn rất phong phú và đậm vị địa phương đáng để một lần thử.
HOÀI THU