Nơi bình yên nhất
Bố mẹ tôi là nông dân. Nhà tôi chỉ có mấy sào ruộng và ba con bò nhưng gánh tới mười một miệng ăn nên cứ phải “ăn bữa nay lo bữa mai”, khó khổ trăm bề. Ấy nhưng mẹ kiên quyết “ mình tao mù chữ là đủ”. Nhờ sự kiên quyết ấy mà vượt lên nghèo khổ, chị em tôi đều được tới trường, có điều vừa học vừa làm.
Tuổi nào việc nấy. Mấy anh chị phụ mẹ chuyện đồng áng, kiếm củi, trồng khoai. Chị Sáu lo cơm nước, anh Bảy hái củi, chị Tám cắt cỏ, tôi lãnh chức tổng chỉ huy đàn bò, Út coi vườn rau ở nhà. Tóm lại, cả nhà, không ai được phép chơi suông.
Bạn có hình dung được bữa cơm của con nhà nghèo? Thực đơn chính của nhà tôi phần nhiều là chén mắm dầm ớt - phần của ba mẹ, anh chị, và chén mắm không ớt của tôi. Ăn cơm mắm nhưng loáng phát là nồi cơm hết veo. “Hôm nay nhà ta được ăn “má với cằm”!”. Nghe câu ấy cả nhà đều cười. Không phải được ăn cái má và cằm của con heo đâu, là ba tôi nói ngược “mắm với cà” cho vui. Hồi ấy ba có trồng mấy cây cà dĩa, tới mùa cà cho quả thì nhà tôi có thêm món ấy. Sau này tôi mới thấm thía kiểu nói đùa của ba - quả là người đàn ông thông minh, hóm hỉnh, biết tạo tiếng cười từ nỗi nhọc nhằn, cơ cực. Ăn là vậy còn mặc? Chủ trương của mẹ là tất cả đều phải đi học nhưng chỉ có vở là mới, tất tật đều là đồ cũ, xin tiền mua một cái kẹo cũng không có.
Nhưng phải sau này, phải khi đã làm mẹ, phải khi đã biết nhịn cho con miếng ngon, giành nằm chỗ ướt để chỗ ấm cho con tôi mới biết, mới hiểu vì sao mẹ bảo thích ăn cơm độn, thích ăn chuối chát non chấm nước mắm cay, thích gặm trái bắp còn hạt mà chị em tôi đã ăn sơ sài. Còn ba? Cũng phải sau này tôi mới rơi lệ khi nhớ về bữa cơm chỉ có đĩa cá rô ba đặt lờ, chị em tôi xiên đũa rỉa không còn miếng thịt nào. Còn ba, ba liên tục chép miệng, báu gì cái ngữ cá rô xương không mà giành hả mấy đứa… Nước mắm với cà vậy mà ngon! Bây giờ gia đình tôi mỗi lần sum họp, nhắc lại ai cũng bùi ngùi thương ba. Tạ ơn những lần vấp ngã đã giúp tôi nhận ra: Đâu mới là nơi chốn thật sự bình yên của cuộc đời!
NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN