Các đoàn tuồng không chuyên gặp khó
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, những tháng đầu năm nay, tất cả các đoàn tuồng không chuyên trong tỉnh đều gặp khó khăn. Ngay cả những đoàn tuồng tên tuổi và hoạt động ổn định như Trần Quang Diệu, Ánh Dương, Sao Mai... cũng lâm vào tình thế nan giải.
Diễn viên đoàn tuồng Sao Mai đang chuẩn bị biểu diễn tại Lễ hội Vía Bà năm 2019 ở xã Nhơn Phong, TX An Nhơn.
Sau nhiều thăng trầm, hiện tỉnh ta còn khoảng chục đoàn tuồng không chuyên ở các địa phương. Khi Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú lần thứ I - 2015 trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, 6 trong tổng số 15 Nghệ nhân Ưu tú của tỉnh Bình Định là đào, kép của các đoàn tuồng không chuyên.
“Mấy tháng qua là quá dài khi không được diễn, tôi nhớ nghề không chịu nổi! Hy vọng bà con ở các địa phương có truyền thống mộ tuồng tiếp tục ủng hộ, chia sẻ khó khăn để chúng tôi thời gian tới lại được bước lên sân khấu...”
Nghệ nhân ưu tú KIM CHUNG, xã Phước An, huyện Tuy Phước
Thường từ tháng Giêng đến tháng Tư âm lịch hằng năm là mùa cao điểm hoạt động của các đoàn tuồng không chuyên trong tỉnh. “Từ mùng 1 đến mùng 10 tháng Giêng năm nay, đoàn mới diễn được ở 3 điểm ở huyện Phù Mỹ, TX An Nhơn và tỉnh Quảng Ngãi, sau đó do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tất cả chúng tôi buộc phải “án binh bất động” gần 4 tháng trời. 20 diễn viên, nhạc công của đoàn rất khó khăn khi không có nguồn để trang trải cuộc sống...”, nghệ nhân Phan Ngọc Bạn (xã Nhơn Mỹ, TX An Nhơn), Trưởng đoàn tuồng Trần Quang Diệu, chia sẻ.
Nhiều đoàn khác mới diễn có một điểm hoặc chưa kịp đi diễn đầu năm đã phải nghỉ cho đến nay. Trong 5 năm qua, đoàn tuồng Ánh Dương đã cố gắng từng bước khắc phục khó khăn khi hai diễn viên trụ cột là Nghệ nhân Ưu tú Công Lễ và Trưởng đoàn Bảo Hiến lần lượt qua đời. Năm nay, vừa bắt nhịp hoạt động ổn định trở lại thì đã đối mặt với dịch Covid-19. Nghệ nhân ưu tú Thu Hường (xã Cát Tường, huyện Phù Cát), Trưởng đoàn tuồng Ánh Dương, buồn bã: “Sau 3 đêm diễn khởi đầu năm mới vào mùng 4 - 6 tháng Giêng tại xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, anh chị em trong đoàn đang hào hứng chuẩn bị diễn tiếp ở xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn thì được lệnh phải ngừng để phòng chống dịch Covid-19. Trong thời gian dài chờ đợi, diễn viên phải chật vật xoay sở, lo lắng tìm việc làm để kiếm sống qua ngày. Cách đây khoảng nửa tháng, 3 thành viên của đoàn đã phải vào TP Hồ Chí Minh mưu sinh bằng nghề bán trái cây...”.
Dù khó khăn như vậy, nhưng các diễn viên, nhạc công tuồng không chuyên đều tự trấn an và động viên nhau cố gắng vượt qua gian khó. Nhạc công Nguyễn Văn Quý (đang được lập hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, ở thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước) chia sẻ: “Tôi cộng tác với nhiều đoàn tuồng, CLB bài chòi không chỉ ở trong mà cả ngoài tỉnh, nhưng từ sau Tết âm lịch đến giờ chưa được đi diễn buổi nào. Tranh thủ lúc rảnh ở nhà, tôi truyền dạy kỹ thuật đánh trống tuồng, bài chòi cho một số học trò, coi như là chuẩn bị cho đội ngũ nhạc công nghệ thuật truyền thống lứa kế cận. Tôi cũng sẵn sàng giảm thù lao để chia sẻ trong tình hình khó khăn chung”.
Trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 7 Âm lịch, rải rác một số địa phương trong tỉnh vẫn tổ chức một vài lễ hội và thường bố trí chương trình biểu diễn tuồng phục vụ người dân. Các đoàn tuồng không chuyên trong tỉnh đang tích cực “xốc lại” lực lượng, chuẩn bị tốt hơn về trang phục đạo cụ, tập luyện thêm vở diễn để tìm kiếm điểm diễn. Nghệ nhân Phan Ngọc Bạn cho biết: “Dù rất khó khăn nhưng chúng tôi vẫn giữ truyền thống hằng năm, tổ chức cúng tổ nghề vào cuối tháng 3 âm lịch. Năm nay, do dịch bệnh nên chỉ làm nội bộ trong đoàn để mọi người có dịp cùng ngồi lại chia sẻ tâm sự và đồng lòng vượt qua giai đoạn này để tiếp tục gắn bó với nghiệp diễn. Hiện chúng tôi đang chủ động kết nối để vừa tìm điểm diễn, vừa chủ động đưa ra mức thù lao hợp lý để mình thì có buổi diễn còn bà con thì được thưởng thức nghệ thuật tuồng!”.
HOÀI THU