“Ðòn bẩy” của các huyện nghèo
Ðây là nhận xét của Ðoàn giám sát Ban Dân tộc HÐND tỉnh về kết quả thực hiện Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ tại các huyện: An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh. Thực hiện các chính sách này, cơ sở hạ tầng tại các huyện miền núi đã được đầu tư cơ bản hoàn thiện, các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả được nhân rộng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Điểm tựa để thoát nghèo
Ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện An Lão, đánh giá: Là 1 trong 3 huyện nghèo của tỉnh được thụ hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư từ Nghị quyết (NQ) 30a, đến nay, cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm tại địa phương được nâng cấp toàn diện, bộ mặt nông thôn ở các xã vùng cao đã thật sự thay đổi, người dân hết sức phấn khởi. Đến nay, đường giao thông đến trung tâm các xã trên địa bàn huyện thông suốt 4 mùa, 100% số xã đã có điện lưới quốc gia, 100% số thôn được sử dụng công trình nước sinh hoạt tập trung, 10/10 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế...
Đoàn giám sát Ban Dân tộc HĐND tỉnh tham quan mô hình nuôi tằm tại xã An Hòa (huyện An Lão).
Theo thống kê của UBND huyện An Lão, qua 11 năm thực hiện NQ 30a, với nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh và các nguồn vốn lồng ghép khác, huyện đã đầu tư hơn 404 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm. Cùng đó, địa phương xây dựng nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, hướng dẫn người dân ứng dụng KHKT vào sản xuất để nâng cao thu nhập, với tổng kinh phí hơn 90 tỷ đồng. Nhờ đó, những mô hình như nuôi heo đen, nuôi bò lai, nuôi gà trên nền đệm lót sinh học, trồng dâu nuôi tằm, trồng cây ăn quả… được người dân nhân rộng, góp phần giảm nghèo nhanh tại địa phương.
Còn trên địa bàn huyện Vân Canh, theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sô Y Lũy, những chính sách ưu việt của NQ 30a đã góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng và đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân. Đặc biệt, trong quá trình triển khai, huyện đã chú trọng hỗ trợ tối đa cho các hộ nghèo bằng cách cầm tay chỉ việc, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi mới, hướng dẫn tường tận các biện pháp chăm sóc có hiệu quả. Nhờ vậy, cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện đã được đầu tư, nâng cấp toàn diện, bộ mặt nông thôn miền núi, nhất là các xã vùng cao, đã thật sự thay đổi, từng bước kéo gần khoảng cách giữa miền núi và đồng bằng.
Nhờ các nguồn vốn đầu tư theo Nghị quyết 30a và các nguồn vốn lồng ghép khác, hệ thống đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thạnh) được đầu tư nâng cấp hoàn thiện.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, qua 11 năm thực hiện NQ 30a, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn lồng ghép khác, tỉnh đã đầu tư trên 4.000 tỷ đồng xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển các mô hình sản xuất, giao khoán quản lý bảo vệ rừng, đào tạo nghề cho người dân tại các huyện: Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão. Nhờ sự chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành và sự quyết tâm vươn lên thoát nghèo của người dân, các địa phương đã khởi sắc. Đến nay, tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện sinh hoạt tại 3 huyện miền núi An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh đạt 99,3%, số hộ dân dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 99,4%, đường giao thông liên xã được bê tông và nhựa hóa đạt 88,5%; đường thôn, làng được cứng hóa đạt 91,3%. Thu nhập bình quân đầu người đến đầu năm 2020 đạt 30,5 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện miền núi giảm bình quân hằng năm từ 5 - 7%.
Cần nối dài chính sách hỗ trợ
Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát Ban Dân tộc HĐND tỉnh về kết quả thực hiện NQ 30a mới đây, lãnh đạo các địa phương và các sở, ngành chức năng của tỉnh đánh giá rất cao tính hiệu quả của chương trình này. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cũng thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn những tồn tại, khó khăn nhất định trong thực hiện chương trình. Đó là nguồn lực đầu tư tại các huyện nghèo còn hạn chế so với nhu cầu thực tế, việc đầu tư còn dàn trải, vốn bố trí hằng năm ít, chưa chủ động, các thủ tục giải ngân, đầu tư còn bất cập… Do vậy chưa khai thác hết nội lực để từng địa phương vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ông Đặng Văn Phụng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, nêu ý kiến: Để phát huy những kết quả đạt được qua thực hiện NQ 30a, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét sớm ban hành tiêu chí đánh giá huyện nghèo để có các chính sách đầu tư phù hợp sau năm 2020. Đồng thời xem xét, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù cho các địa bàn khó khăn, nhất là các địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Ông Đinh Yang King, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát, đã đánh giá cao sự điều hành, chỉ đạo, giám sát của các sở, ngành chức năng và chính quyền các địa phương trong phối hợp thực hiện chương trình. Đồng thời, ông ghi nhận những tồn tại, hạn chế để tổng hợp, báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền. Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh cũng lưu ý chính quyền các địa phương cần chủ động phát huy nội lực, xác định rõ từng loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng để kịp thời hỗ trợ, nhân rộng, giúp người dân làm giàu.
NGUYỄN HÂN