Khơi thông đầu tư lĩnh vực công nghệ thông tin
Bình Ðịnh xác định công nghệ thông tin là một trong những lĩnh vực quan trọng, ưu tiên thu hút đầu tư phát triển. Nhưng để tỉnh trở thành điểm đến của nhà đầu tư, còn rất nhiều vướng mắc cần phải khơi thông, đặc biệt là cơ chế chính sách phải đủ sức hấp dẫn.
Thu hút các nhà đầu tư lớn
Sau 2 năm đầu tư tại Bình Định, đến thời điểm này, dự án Công viên sáng tạo TMA Bình Định của Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Tường Minh Bình Định (TMA Bình Định) tại khu Đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa (phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) đã nên vóc nên hình. Giai đoạn 1 của dự án với trung tâm đào tạo, trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ hoàn tất, sẽ đi vào hoạt động trong tháng 7.2020. Còn giai đoạn 2, chủ đầu tư dự kiến đến cuối năm 2021 sẽ xong.
Giai đoạn 1 của dự án đầu tư Công viên sáng tạo TMA Bình Định sẽ đi vào hoạt động trong tháng 7.2020.
Trước đó, để chuẩn bị nền tảng cho hoạt động, TMA Bình Định đã tổ chức đầu tư, đào tạo và phối hợp với các trường đại học, trong đó có Trường ĐH Quy Nhơn, đào tạo nguồn nhân lực kỹ sư chuyên ngành công nghệ thông tin, toán - tin. Theo ông Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Tường Minh, với giai đoạn 1, Công viên sáng tạo TMA Bình Định đủ chỗ cho khoảng 1.200 nhân lực làm việc thường xuyên. Tổng cộng cả 2 giai đoạn đầu tư, có khoảng 3.000 kỹ sư làm việc khi đi vào hoạt động. Đây là chi nhánh đầu tiên được DN phần mềm hàng đầu Việt Nam này mở ở ngoài TP Hồ Chí Minh. “Khi đặt vấn đề về nguồn nhân lực đảm bảo đủ cho hoạt động khi công viên đi vào hoạt động, chúng tôi xác định sẽ khó khăn, nhưng đó là đầu tư lâu dài. Hiện chúng tôi tiếp tục bắt tay xây dựng trung tâm khoa học dữ liệu để phát triển một trong những ngành cốt lõi của công nghệ 4.0”, ông Lệ cho hay.
Đội ngũ kỹ sư của TMA Bình Định.
Một “ông lớn” khác là Tập đoàn FPT cũng đã nhận quyết định chấp thuận của tỉnh về chủ trương đầu tư Dự án Tổ hợp giáo dục - Trí tuệ nhân tạo FPT Bình Định, quy mô khoảng 150 ha, tổng vốn đầu tư trên 3.000 tỷ đồng, nằm trong dự án Khu đô thị trí tuệ nhân tạo Quy Nhơn.
Công ty phần mềm Fujinet Systems đã thành lập chi nhánh tại Bình Định với những dự án về AI dự kiến trên 1.000 nhân sự.
Hay, Công ty phần mềm RikkeiSoft kết nối với những dự án của Nhật với hơn 1.000 nhân sự về phần mềm…
Theo Phó Giám đốc Sở TT&TT Võ Gia Nghĩa, trong chiến lược thu hút đầu tư, một trong những ưu tiên thu hút của tỉnh là công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện môi trường. Đến nay, có thêm một số nhà đầu tư nước ngoài đến và đặt vấn đề tìm hiểu cũng là tín hiệu tích cực.
Khơi thông đầu tư
Theo Sở KH&ĐT, với công nghiệp phần mềm, Bình Định có khoảng 559 DN hoạt động sản xuất, gia công và cung cấp các dịch vụ phần mềm, chủ yếu cung cấp sản phẩm phần mềm đơn giản và hầu hết chưa có thương hiệu, giới hạn theo các đơn hàng riêng lẻ...
Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Thành Hải cho biết, Bình Định hiện đang phát triển khu Đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa tại TP Quy Nhơn với diện tích 242 ha, riêng diện tích dành cho các dự án về nghiên cứu khoa học, công nghệ thông tin, đô thị khoa học, công viên phần mềm, công viên khoa học hơn 66 ha. Ngoài ra, tỉnh đã quy hoạch khu đô thị Long Vân hơn 1.392 ha với tính chất chính là đô thị trí tuệ nhân tạo (nghiên cứu, đào tạo, sản xuất phần mềm…) để thu hút đầu tư chủ yếu lĩnh vực nghiên cứu, sáng tạo, phát triển theo công nghệ 4.0. Chính sách ưu đãi trong lĩnh vực công nghệ thông tin thực hiện theo các quy định của Trung ương như ưu đãi về thuế thu nhập DN, tiền thuê đất, thuế nhập khẩu…
Tuy nhiên, nói về chính sách riêng của tỉnh trong thu hút đầu tư lĩnh vực công nghệ thông tin, đến nay vẫn là nhiều khó khăn. “Bình Định không nằm trong quy hoạch các khu công nghiệp, khu công nghệ cao của quốc gia nên chính sách đặc thù thu hút nhà đầu tư công nghệ thông tin hạn chế. Điều kỳ vọng của chúng ta là mô hình khu Đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa thì đến nay vẫn chưa được Trung ương thông qua để tạo đòn bẩy chính sách thu hút đầu tư công nghệ thông tin”, ông Võ Gia Nghĩa chia sẻ.
Trong bối cảnh các tỉnh, thành đều chạy đua thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin thì việc chậm chân đồng nghĩa mất cơ hội. Đây cũng là lý do để tỉnh xúc tiến trở thành thành viên của chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung (TP Hồ Chí Minh) vào trung tuần tháng 5.2020. Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh: “Việc tham gia vào chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung sẽ thu hút đầu tư về công nghệ thông tin từ các DN và nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tương lai, sau khi tham gia vào chuỗi này sẽ thu hút đầu tư công nghiệp phần mềm, nội dung số. Qua đó, nâng cao chất lượng và số lượng người lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin trong tỉnh, từng bước hình thành nền công nghiệp công nghệ thông tin, nâng cao tỷ suất đóng góp cho nền kinh tế, tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh”.
THU HIỀN