Phép thử
* Truyện ngắn của NGUYỄN THỊ SAO LY
Biết đứa con trong bụng Lựu là gái, cũng là lúc người đàn ông bí mật của cô biệt tăm. Cái thai được 20 tuần tuổi, rồi đến đủ ngày đủ tháng sanh nó ra, qua đầy tháng, qua thôi nôi, vào mẫu giáo, lên lớp 1… vẫn mất tăm mất dạng.
Cánh đàn bà xóm Mới nghe ngóng, thập thò, mãi không thấy hình cũng chẳng nghe tiếng người đàn ông lần này của Lựu nên đâm ngán. Dịp đầy tháng rồi thôi nôi út Bình, họ hàng, lối xóm tới sao mà đông! Không phải tới cùng lúc vào buổi trưa để rôm rả ngồi vào mấy cái bàn tròn thơm phức rượu thịt, bánh tráng mè mới nướng nóng giòn đã dọn sẵn, mà cứ rải rác từng tốp. Miết từ sáng sớm đến chiều. Ông Sáu Lành, ngoại của tụi Thương, Hòa, Bình đành phải vãi gạo, nhử mấy con gà mái đang đẻ để có món đãi khách. Lựu biết thừa bà con xóm Mới đến đây vì cớ gì, cô vừa nựng nịu, hít hà con, vừa cười: “Lúc con 5 tháng tuổi trong bụng má con, có lần ổng xuất hiện ở xóm Mới, ai biểu mấy ông, bà, cô, bác hổng để ý chi, từ giờ trở đi có trời biết, hen con hen!”.
Dân xóm Mới, con gái nhà ai ăn cơm trước kẻng bụng lùm lùm mà còn làm đám cưới rình rang, thể nào cũng bị xóm làng chê cười, riêng ông Sáu Lành, có con gái 3 lần không chồng mà chửa nhưng không một ai khinh ghét. Ghét sao được, khi thấy cái cách ông già góa vợ nuôi con gái mang tiếng chửa hoang sinh nở con so con rạ; thấy cái tình ông thương đám cháu ngoại. Một, rồi hai, giờ đến ba đứa.
Chập choạng tối, ngày Lựu chuyển dạ con Thương, ông Sáu Lành chạy qua nhà bà Hai Hạnh bán tạp hóa gần nhà, giọng van nài: “Con Lựu sắp sanh, đang ở trạm xá, bà giúp giùm!”. Những ngày sau đó, mọi việc hơ háp cho người đẻ con so, đều một tay bà giúp. Giữa những lúc ông Sáu Lành ngồi đẽo gốc bồ quân, thổi lửa quạt than, sắc thuốc Bắc, giã nghệ, rửa lá xông… cho con, như sực nhớ ra điều gì, ông lại đột ngột chạy đến nói với bà bạn già, vẫn cái câu cũ mèm đã nói hàng chục lần trước đó: “Bà thương giúp cháu nó, tội nghiệp, tui đàn ông đàn ang”. Bà Hạnh ứa nước mắt nhớ lại lúc ẵm con nhỏ ra cho ông ngoại nó nhìn mặt, ông nhìn cháu rồi quay sang nắm tay bà, vẫn cái giọng khẩn khoản: “Từ xưa giờ, con gái có chồng được cưới hỏi đàng hoàng nằm ổ được nuôi sao, giờ nhờ bà nuôi con Lựu tui vậy. Con dại cái mang…”.
Ba đứa cháu ngoại, đứa nào đứa nấy được ông Sáu Lành tổ chức lễ đầy tháng, thôi nôi kỹ càng, cúng mười hai bà mụ xong đến phần tiệc đãi đằng bà con họ hàng, láng giềng hẳn hoi. Tiệc đương vui, ai đó cụng ly cái cốp với ông, nói xóm này ông ngoại xịn nhứt là ông, lo cho cháu ngoại không sót thứ gì, mọi người tán đồng cụng ly rôm rả. Bỗng, ông bỏ đũa bỏ ly khóc hu hu như con nít, mếu máo: “Thiếu, thiếu một lễ. Cháu người ta về ngoại đẻ vài tháng sau cũng đều được bà nội đến thưa gửi, xin ẵm về bển chơi lấy ngày, trình diện tổ tông. Còn cháu tui, tui có muốn, có cố đến đâu cũng hổng được cái phước phần ấy”. Mọi người im re. Lựu ứa nước mắt, ngầy cha: “Cha thiệt tình, là tự bụng con chớ có ai ruồng rẫy con đâu”.
Trước đó, ông Sáu Lành còn mang bịch trà ngon đến các nhà mô phạm trong làng, nhờ họ chỉ biểu về cách thức cúng kiếng. Ban đầu, cũng có những cái lườm nguýt nọ kia, họ cho cha con ông học đòi. Nhưng cái ác ý của người đời phải tan chảy trước tấm chân tình của ông Sáu: “Thiệt tình, tui sợ nhứt câu “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Lỗi là ở mẹ nó nghĩ khác người, đâu phải lỡ dại một lần không có người chịu lấy nó làm vợ, mà do nó kiên quyết ở vậy, chỉ cần con. Tui bảo con không nghe. Còn tụi cháu, chúng có tội tình gì đâu. Trời đã cho chúng vào làm cháu nhà tui, còn sống ngày nào tui còn gắng sức để con đường làm người của tụi nhỏ bớt nhọc nhằn”.
Gà trống con côi nhưng nhờ Lựu lanh lẹ, biết thu vén, hai cha con ông Sáu Lành không gặp cảnh thiếu trước hụt sau. Gần 70, ông Sáu còn khỏe, đủ sức đảm đương đàn bò lai và mấy sào đất ven sông màu mỡ. Lựu mở hàng nước giải khát và tạp hóa tại nhà, đúng nghĩa thập cẩm. Không chỉ mì tôm, đường, bột ngọt, bánh kẹo; mùa hè, Lựu mua đồ mát trẻ em, đá lạnh, kem, tăng cường xe nước mía, mấy nồi chè đậu, tàu hũ, sương sa; mùa mưa, Lựu đổi sang hàng áo len, quần áo ấm, cá khô… Chưa đầy 10 năm, Lựu sinh lần lượt 3 đứa cháu ngoại. Ông Sáu cho mướn bớt mấy sào đất, thêm bận rộn với việc đưa đón các cháu đến trường. “Nếu con đã quyết ở vậy kiếm con nuôi, cha cản cũng không được. Nhưng cha mong con thực hiện cho được điều này. Cái người mà con quen, con thương, con lấy, con có con, nhất nhất phải - trừ- người - làng mình. Mình biết họ, họ biết mình, đây với đấy, mang tội lắm, con!”. Lựu nhớ cha nói với mình câu này khi cô đang quen với ba thằng Hòa, khi ông đoán biết con gái muốn có thêm đứa con. Đáp lại mệnh lệnh thỉnh cầu của cha, Lựu rớt nước mắt hứa bằng tiếng “dạ” nhỏ. Chắc như đinh đóng cột.
Lắm lúc nhìn con, lòng ông Sáu chua chát nghĩ, sao ông trời tréo ngoe, Lựu dung hạnh nết na, điều này không phải mình ông mà cả làng này công nhận, thân lại 3 lần không chồng có con. Bao nhiêu đàn ông có vợ trong làng này khao khát Lựu thì cũng bấy nhiêu đàn bà căm ghét Lựu, sợ Lựu một ngày nào đó sẽ cuỗm mất chồng mình vào ái tình mê muội. Mà chuyện ấy có khó gì, với vẻ đẹp và tính tình đằm thắm của Lựu. Nhưng Lựu chẳng hề đong đưa với ai. Đứa đầu rồi đứa con thứ 2 của Lựu ra đời, từng gieo vào người làng này bao lo âu, nghi kỵ. Họ bảo, ông trời có mắt lắm, cái thứ con sinh núp sinh lén trong bóng tối ấy, rồi sẽ giống dòng giống nó như in, không giống khuôn mặt cũng rặt tướng đi, điệu bộ. Cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Đàn ông nhìn nhau thăm dò, đoán ai đã may mắn được cùng Lựu. Đàn bà viện cớ thăm đẻ, nhìn chằm chặp con Lựu rồi về nhà soi lại khuôn mặt chồng và các con mình. Tuyệt nhiên không một dấu hiệu nào.
Không chồng sinh ba đứa con, Lựu giải thích với cha: “con Thương là con lỡ, thằng Hòa con kiếm, út Bình là con thương người ta thiệt lòng. Thấy ổng mê quá, con thử chút chơi, ai ngờ ổng bỏ thiệt. Gọn lỏn. Vậy mà hay, khỏi lương mương, lòng thòng”.
* * *
Thương bất ngờ khi có khách lạ bước vào nhà mình. Ông khách lạ đứng trân nhìn nó một hồi rồi cười, hơi bối rối. Nó hỏi bác kiếm ai, ông thủng thẳng bước chân lên hè, nói nhỏ: “Bác thân với mẹ Lựu”. À, ra là bạn của má, Thương hơi ngạc nhiên vì từ nhỏ đến lớn chưa từng thấy người này đến nhà, nhưng lòng vui quá, vồn vã mời khách vào.
- Chắc bác ở xa đến. Lạ quá, má cháu có đi xa làng bao giờ đâu mà có bạn xa…
- Nay con 18?
- Dạ không, con 22 rồi. Em con mới 18. Con học sư phạm ra, dạy học 2 năm nay rồi.
- À, vậy ra đây là con gái lớn của mẹ Lựu, em gái con mới 18.
Người đàn ông hơi thất vọng vì linh cảm không chính xác của mình. Trong đầu ông xúc động hình dung tới một bản sao khác của Lựu.
- Em gái cháu đâu, cho bác gặp.
- Em gái nào, cháu chỉ có em trai thôi. Hòa 20 tuổi, Bình 18. Bác muốn gặp em nào?
- Cháu có em trai 18 tuổi?
- Dạ, thằng út Bình, đậu đại học năm nay, nó mới nhập trường.
- Cháu có em trai sinh năm 1995, 18 tuổi? - người đàn ông cảm thấy hai đầu gối mình sắp khuỵu xuống.
- Dạ, đúng ngày ông Táo về trời luôn đó bác. Út Bình sướng nhất, chào đời trúng ngày đẹp nên được má nhớ hoài. Con và thằng Hòa, mấy tuần cuối cùng trước khi mất vì ung thư di căn, má đau đớn quá, có lúc quên ngày sanh tụi con, chỉ có út Bình là má không quên…
Người đàn bà đặt cược niềm tin vào tình yêu, bằng một phép thử. Lựu có ngay đáp số. Đứng thắp nhang cho mẹ của con trai mình, người đàn ông không dám nhìn vào tấm di ảnh. Ông không biết trong đôi mắt Lựu, là cái nhìn giễu cợt, truy vấn hay bình thản?
N.T.S.L