30 NĂM VĂN HỌC BÌNH ÐỊNH:
Một chặng đường đằm thắm, ngọt ngào
Ðối với văn học, 30 năm không phải là chặng đường quá dài nhưng cũng không quá ngắn cho giai đoạn tạo lập và thu gặt thành quả, đặc biệt là với vùng đất được mệnh danh là “đất võ, trời văn”. 30 năm trôi mau, đến nay nhìn lại, văn học Bình Ðịnh đã có những quả thơm, trái chín và cả hoa đang trổ đều.
Trại viên trại sáng tác VHNT chụp hình lưu niệm tại Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn.
Từng bước vững chắc
Văn học Nghĩa Bình từng có đội ngũ sáng tác rất hùng hậu với những tên tuổi lớn như: Thanh Thảo, Ngô Thế Oanh, Lệ Thu, Lê Văn Ngăn, Trần Quốc Hoài… Sau khi tách tỉnh, người đi kẻ ở, ngày 27.2.1990, UBND tỉnh ra quyết định thành lập Hội VHNT Bình Định, đánh dấu mốc đổi mới, phát triển của văn học Bình Định. Cũng chính trong năm này, tỉnh thành lập giải Đào Tấn - Xuân Diệu trao giải 5 năm 1 lần, đồng thời tổ chức CLB Xuân Diệu sinh hoạt định kỳ hằng tháng. Bên cạnh việc tạo điều kiện để Hội VHNT thường xuyên tổ chức các cuộc thi, tạo động lực để văn nghệ sĩ tập trung sáng tác, tỉnh còn có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích sáng tác, xuất bản.
Nhà thơ Mai Thìn, Phó Chủ tịch Hội VHNT Bình Định, chia sẻ: Chính nền tảng tốt cùng những sự hỗ trợ hết mình của tỉnh, văn học Bình Định có điều kiện phát triển sôi nổi. Đặc biệt, chính những giải thưởng, cuộc thi là nơi phát hiện ra những gương mặt trẻ, triển vọng.
Theo một số nhà thơ, nhà văn đã gắn bó với văn học Bình Định từ những ngày chập chững, đến nay, có thể chia văn học Bình Định trải qua 3 giai đoạn: Tiền thân; giai đoạn kế tục từ sau năm 1990 và giai đoạn xuất hiện những ngòi bút trẻ. Từng giai đoạn lại có một đặc điểm, phong cách riêng. Theo nhà văn Lê Hoài Lương, lực lượng cầm bút Bình Định luôn đông đảo mỗi thời, nhưng nửa đầu những năm 90, thơ gần như độc chiếm diễn đàn. Mãi đến những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ XX, mới xuất hiện những tập văn xuôi của các nhà văn Trần Quang Lộc, Nguyễn Thanh Hiện, Lê Hoài Lương, Trần Thị Huyền Trang… Trên đà đó, văn học Bình Định có chút cân bằng hai mảng. Và từ đó đến nay, văn chương Bình Định mới thực sự phát triển xứng tầm, bằng chứng qua hàng loạt các tác phẩm chất lượng, đa dạng về thể loại được xuất bản và nhiều tác giả được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.
Có thể nói, sau 30 năm, Bình Định vẫn là mảnh đất của văn chương, dù vậy, văn học Bình Định vẫn còn những điểm khuyết khiến những người tâm huyến trăn trở ví như lượng tiểu thuyết còn mỏng và chủ yếu tập trung vào đề tài lịch sử và nhân vật tôn giáo chứ chưa chú trọng hiện thực. Hy vọng thời gian tới, tiểu thuyết Bình Định sẽ phát triển đúng tầm.
Những niềm hy vọng
Cuối năm 2019 là thời gian được mùa của văn học trẻ Bình Định khi các tác giả Triều La Vỹ, Trương Công Tưởng, Nguyễn Đặng Thùy Trang lần lượt đạt giải cao tại một số cuộc thi uy tín. Nhiều tác giả trẻ khác cũng có những thành tích riêng.
Nhà thơ Mai Thìn cho biết thêm: Từ nhiệm kỳ thứ 3, Hội VHNT tỉnh bắt đầu có những hoạt động chăm chút cho những cây bút trẻ nên thường xuyên tổ chức trại sáng tác, thành quả thu được là những gương mặt triển vọng với tập văn thơ trẻ. Mỗi người có cá tính, phong cách sáng tác riêng, tạo nên sự phong phú, đa dạng. Cùng với sự nỗ lực, thời kỳ này, các em còn có điều kiện để phát triển hơn như có nhiều cuộc thi, các báo, tạp chí xuất bản nhiều và đều kỳ hơn. Do vậy các em có cơ hội được ghi nhận nhiều hơn, tạo thêm động lực.
Dù mỗi người một phong cách, một lối đi nhưng các tác giả trẻ có chung một niềm đam mê. Nếu Trần Quốc Toàn, Lê Văn Đồng có giọng thơ tự do đầy triết lý; Trần Văn Thiên, Nguyễn Văn Bút, Khổng Trường Chiến giàu liên tưởng; My Tiên, Nguyễn Đặng Thùy Trang đậm tính nữ; Phạm Quyên Chi đeo đuổi một lối riêng thơ Tân hình thức và hậu hiện đại thì Vân Phi, Trương Công Tưởng trong trẻo, hồn hậu mà day dứt nhân sinh… Tất cả góp phần làm nên sự sôi nổi của văn học Bình Định, là niềm huy vọng của những người đi trước.
Đối với các tác giả trẻ, người và việc mỗi ngày là chất liệu, ngôn từ để giãi bày trên những tác phẩm. Sau khi thành công với tập thơ Ngồi gỡ tơ trời, tác giả trẻ Trương Công Tưởng, chia sẻ: Trong thời gian tới, ngoài công việc thường nhật, tôi vẫn tiếp tục viết và có thể sẽ in thêm một tập thơ nữa. Bởi viết như là một nhu cầu tự thân để giãi bày, chia sẻ. Khi viết, tôi cân bằng được trạng thái cảm xúc, nhìn cuộc sống bằng lăng kính đa chiều và cảm thấy dễ đồng cảm, dễ tha thứ hơn. Tôi luôn nghĩ, nghệ thuật lúc nào cũng phải đẹp và nhân văn. Thơ ca là bộ môn nghệ thuật gốc của tất cả các loại hình nghệ thuật thì cái đẹp và nhân văn phải luôn đề cao trên hết.
Còn đối với tác giả Nguyễn Đặng Thùy Trang, dù yêu thích cả văn xuôi lẫn thơ nhưng văn học thiếu nhi là thể loại mà chị theo đuổi. “Tôi nghĩ rằng sáng tạo luôn cần bình tĩnh, và đủ độ chín để tác phẩm trước hết có thể thỏa mãn chính bản thân người viết rồi mới có thể để tác phẩm bước ra sống cuộc đời của chính nó. Với văn học thiếu nhi, tôi tự thấy mình có niềm hứng thú đặc biệt. Hy vọng các tác phẩm tiếp theo của tôi sẽ được đón nhận”, Thùy Trang thổ lộ.
THẢO KHUY