“EVFTA và EVIPA cung cấp các lợi ích bổ sung cho nền kinh tế Việt Nam”
Bài viết đăng trên trang mạng của Global Risk Insights cho rằng đối với các nhà xuất khẩu Việt Nam, EVFTA là cửa ngõ để xâm nhập một thị trường trị giá 18.000 tỷ USD.
Trang mạng của Global Risk Insights (GRI) vừa đăng tải bài viết, trong đó nhận định Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư EU-Việt Nam (EVIPA), được Nghị viện châu Âu (EP) phê chuẩn ngày 12.2 vừa qua, sẽ có tác động to lớn đến các công ty xuất khẩu, nhà đầu tư nước ngoài và người tiêu dùng tại Việt Nam.
Hiệp định Thương mại Tự do EVFTA sẽ là cơ hội lớn cho cho ngành da giày của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU. (Ảnh: TTXVN)
Hai hiệp định này bao gồm các cam kết quan trọng về cắt giảm thuế, bảo hộ đầu tư và tạo thuận lợi cho thương mại.
Theo phóng viên TTXVN tại Rome, bài viết cho rằng đối với các nhà xuất khẩu Việt Nam, EVFTA là cửa ngõ để xâm nhập một thị trường trị giá 18.000 tỷ USD.
Chính phủ Việt Nam tin rằng EVFTA sẽ giúp xuất khẩu sang EU tăng 42,7% vào năm 2025. Có tới 71% các loại thuế hải quan sẽ được dỡ bỏ đối với các nhà xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có các ngành quan trọng như dệt may, điện tử, giày dép và nông nghiệp. Một số ngành như dệt may và giày dép có thời hạn 7 năm để loại bỏ dần các mức thuế.
Xét về tính chất sử dụng nhiều lao động của những ngành này, EVFTA cũng có thể có sự tác động thực sự tích cực đối với thu nhập quốc dân tại Việt Nam.
Còn đối với các nhà đầu tư nước ngoài đến từ EU, bài viết nhận định EVFTA báo hiệu sự phát triển tích cực của môi trường kinh doanh của Việt Nam. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam hiện lên tới 38,2 tỷ USD.
Phần lớn khoản đầu tư này là trong khu vực chế biến, chế tạo (chiếm 64,6% lượng vốn đầu tư) do khả năng của Việt Nam có thể mang lại lợi thế về chi phí.
Theo bài viết, EU lâu nay là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài tích cực tại Việt Nam. Các nhà đầu tư EU chiếm 50,1% tổng số dự án FDI và 50,6% số vốn cam kết. Số đầu tư FDI này nhắm đến các ngành như chế biến, chế tạo với 180 dự án trị giá 4,2 tỷ USD và khai thác dầu khí với 19 dự án trị giá 2,5 tỷ USD.
Cũng theo bài viết trên, EVFTA và EVIPA có ý nghĩa quan trọng đối với FDI của EU tại Việt Nam. Các dữ liệu cho thấy hơn 70% số hàng xuất khẩu của Việt Nam có liên quan tới FDI.
Do đó, các nhà đầu tư EU cũng sẽ được hưởng lợi từ việc mở rộng năng lực xuất khẩu nhờ các mức thuế nhập khẩu thấp hơn trong EU.
EVFTA cũng có những tác động quan trọng đối với các công ty nhập khẩu từ EU, nhất là trong các ngành như nông nghiệp, dược phẩm và ôtô. Các số liệu cho thấy nhiên liệu và nguyên liệu thô, tiếp đó là máy móc là những mặt hàng nổi trội trong danh sách nhập khẩu của Việt Nam.
Do những thứ này là hàng hóa trung gian và được sử dụng để sản xuất, EVFTA có thể có tác động tích cực về chi phí sản xuất cho ngành chế biến, chế tạo trong nước. Thêm vào đó, hiệp định còn mang lại những cắt giảm đáng kể về thuế đối với hàng nhập khẩu.
Bài viết kết luận rằng EVFTA và EVIPA cung cấp các nguồn lợi ích bổ sung cho nền kinh tế Việt Nam. Các nhà xuất khẩu của Việt Nam chắc chắn sẽ được tiếp cận ưu đãi đối với thị trường EU trị giá 18.000 tỷ USD.
Hơn nữa, vì một số nhà đầu tư FDI có những lợi ích liên quan đến xuất khẩu, nên các nhà đầu tư FDI cũng có thể được hưởng lợi, đặc biệt là trong khu vực chế biến, chế tạo.
Đối tượng hưởng lợi cũng bao gồm cả những nhà nhập khẩu Việt Nam, vốn có thể giúp hạ thấp chi phí sản xuất cho các doanh nghiệp địa phương.
Nếu đánh giá một cách chặt chẽ, hai hiệp định nói trên sẽ giúp khả năng mở rộng thị phần của Việt Nam tại EU trong cả giai đoạn trung và dài hạn.
Theo Vietnam+