Rác thải cản trở tiêu chí môi trường
Trong xây dựng nông thôn mới (NTM) tiêu chí số 17 (về môi trường) là tiêu chí thực hiện khó nhất. Đối với 2 xã Cát Thắng và Cát Chánh được huyện Phù Cát chọn về đích NTM trong năm 2020 đang tập trung gỡ khó cho tiêu chí này.
Bãi rác tự phát trên đê sông Đại An (xã Cát Chánh).
Ông Võ Thành Hải, Chủ tịch UBND xã Cát Chánh, phân trần, so sánh yêu cầu thì địa phương đạt được 7/8 tiêu chí nhỏ của tiêu chí môi trường, chỉ có tiêu chí chất thải rắn trên địa bàn là còn khó khăn, thu gom không biết đổ đâu, cho nên thời gian qua nhân dân trong xã đã đem rác ra đổ dọc theo tỉnh lộ 640 và dọc theo đê sông Đại An. Địa phương cũng chỉ xử lý đốt, rồi thời gian sau cũng đâu vào đấy. “Chúng tôi đang mời Phòng TN&MT và Phòng NN&PTNT huyện về địa phương họp bàn tìm hướng giải quyết địa điểm đổ rác. Xã sẽ có phương án thu gom triển khai cụ thể đến từng hộ dân bảo đảm trước khi về đích NTM sẽ giải quyết rốt ráo vấn đề môi trường”, ông Hải cho biết.
Còn ở xã Cát Thắng, tại các điểm công cộng như đầu cầu, gò, dọc theo một số tuyến giao thông, thậm chí dưới chân pa nô tuyên truyền về NTM đặt ở trung tâm xã cũng đầy rác thải sinh hoạt.
Nhưng theo ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Thắng, thì tình trạng xử lý rác thải sinh hoạt trong nhân dân tuy đang nan giải, nhưng không phải không có giải pháp, địa phương đã huy động các cấp chính quyền, cơ quan, đoàn thể vận động các hộ dân phân loại rác tại nguồn, tham gia trả phí thu gom rác. Bước đầu đã vận động được 1.423/2.002 hộ đăng ký trả phí thu gom rác tại nhà, đạt 71% và UBND xã tiến hành hợp đồng với Công ty môi trường Cát Tiến (đơn vị hiện đảm nhận thu gom rác xã Cát Hải, Cát Tiến, Cát Hưng) đảm nhận thu gom từ cuối tháng 5 trở đi. Mặt khác, địa phương cũng tiến hành xây dựng các hố bi đựng rác thải bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên khắp các cánh đồng, qua đó nhằm nâng cao nhận thức của người dân cùng chung tay xây dựng xã đạt chuẩn NTM trong năm nay.
XUÂN THỨC