Việt Nam sắp có thêm một mạng di động ảo ra mắt thị trường
Thông tin từ Cục Viễn thông thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 2.6 cho biết Việt Nam sắp có thêm một mạng di động ảo ra mắt thị trường.
Các nhà mạng đã đồng loạt triển khai tăng băng thông để phục vụ khách hàng trong mùa dịch Covid-19. (Ảnh: FPT)
Mạng di động ảo này được cung cấp trên hạ tầng viễn thông di động của Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và sẽ có đầu số điện thoại mới để cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Đây là mạng di động ảo thứ hai tại Việt Nam, mạng ảo đầu tiên có tên là ITelecom của Công ty Cổ phần Viễn thông Đông Dương Telecom.
Mạng di động ảo (Mobile Virtual Network Operator - MVNO) là mạng di động mà nhà cung cấp dịch vụ không sở hữu hạ tầng mạng lưới viễn thông mà đi thuê lại của một đơn vị khác. Nghĩa là một đơn vị mua lại gói lưu lượng dịch vụ di động lớn với giá thành hợp lý, sau đó tiến hành chia nhỏ dung lượng và cung cấp các dịch vụ phù hợp nhu cầu của người sử dụng.
Đánh giá về hoạt động của mạng di động ảo đầu tiên của Việt Nam ITelecom, đại diện Cục Viễn thông khẳng định mạng di động ảo đã đánh dấu bước quan trọng trong thị trường mua sỉ lưu lượng và bán lẻ cho người sử dụng.
Việc hợp tác giữa các công ty kinh doanh dịch vụ viễn thông và các doanh nghiệp viễn thông đã có sẵn hạ tầng viễn thông sẽ tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia thị trường di động. Người dùng là đối tượng được hưởng lợi khi có thêm nhiều lựa chọn các dịch vụ mới, gói cước phù hợp với nhu cầu.
Trước đó, ngày 25.4.2019, Công ty Cổ phần Viễn thông Đông Dương Telecom đã ra mắt dịch vụ viễn thông di động đầu số 087 (mạng di động ITelecom).
Đơn vị này sau đó đã đưa ra thị trường các sản phẩm, dịch vụ dành cho công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp ở 9 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An và Đồng Nai.
Mạng di động ảo ở Việt Nam sẽ góp phần mang lại nhiều yếu tố tích cực trong phát triển của nhà khai thác di động có hạ tầng.
Việc bán lại lưu lượng là phương thức hiệu quả nhằm chia sẻ chi phí vận hành mạng và nhanh chóng thu hồi vốn đầu tư ban đầu.
Hơn nữa, mạng di động ảo có thể đem đến mạng lưới phân phối bán lẻ và các kênh bán hàng trực tuyến có khả năng thúc đẩy khách hàng qua nhiều phương thức khác nhau...
Theo PV (TTXVN/Vietnam+)