Cầu lông cần hướng đến chuyên nghiệp hóa
Giai đoạn những năm 2000 - 2004, phong trào cầu lông phát triển rất mạnh tại Bình Định. Tại nhiều giải đấu phong trào, cầu lông Bình Định thường xuyên đạt thành tích cao. Đến nay phong trào tập luyện và thi đấu cầu lông ở tỉnh ta vẫn tương đối mạnh. Tại hầu hết những giải thi đấu phong trào, cơ sở, cầu lông là bộ môn thuộc nhóm phổ biến nhất, lượng VĐV tham gia nhiều nhất. Về cơ sở vật chất, các nhà thi đấu đa năng trong tỉnh đều dành diện tích riêng bố trí để tập luyện và thi đấu cầu lông, chưa kể các sân thi đấu cầu lông ở cấp cơ sở, địa phương, ở các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, trường học trong tỉnh. Những địa phương phát triển mạnh mẽ bộ môn cầu lông là TP Quy Nhơn, TX Hoài Nhơn, An Nhơn, huyện Hoài Ân, Tuy Phước...
Tuy nhiên, cầu lông thành tích cao của tỉnh lại... rất “hẻo”. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, cầu lông Bình Định gần như không hiện diện tại các giải đấu toàn quốc, nếu có tham gia thì hầu hết chỉ ở cấp độ các giải trẻ và mục tiêu cũng khiêm tốn là học hỏi và tích lũy kinh nghiệm.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến điều này là việc thiếu hụt trầm trọng lực lượng VĐV trẻ tài năng, có đam mê và được đầu tư một cách thích đáng. Hầu hết các em nhỏ tham gia hoạt động tại các đơn vị, CLB cầu lông đều dưới dạng sinh hoạt ngoại khóa, chơi cho khỏe là chính. Gần như không phụ huynh nào đồng ý để con mình theo đuổi con đường thể thao chuyên nghiệp.
Thiếu nguồn nhân lực, thiếu kinh phí, chưa có giáo viên chuyên về bộ môn, hơn nữa, trong đội ngũ chuyên gia của Sở VH&TT hiện cũng chưa có HLV cầu lông được đào tạo chính quy, bài bản... Những cái khó như vậy đã kéo chậm lại sự phát triển của bộ môn cầu lông. Thêm vào đó, cơ chế, chính sách cũng như quá trình xã hội hóa của môn cầu lông trong ngành thể thao của tỉnh cho đến nay vẫn cứ lưng chừng. Vì vậy cầu lông Bình Định chủ yếu vẫn “vững vàng” ở sân chơi phong trào.
THIÊN TRÚC